Đề nghị giảm 8% thuế nhập khẩu xăng của Bộ Tài chính: Không nhiều ý nghĩa
Nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính cho biết đang đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.
Giảm 8% nhưng tác dụng hạn chế
Theo bộ này, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tác động lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến mặt bằng giá cả, chỉ số giá tiêu dùng.
Trong khi đó thị trường thế giới diễn biến phức tạp, nhất là do xung đột chiến sự Nga - Ukraine tác động đến nguồn cung và tăng giá bán xăng dầu trong nước. Do đó, cần thiết phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống còn 12% đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Quang Khanh - tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu VN - nhận định đề xuất trên của Bộ Tài chính không có ý nghĩa nhiều. Bởi lượng xăng nhập khẩu chỉ chiếm 7,2% tổng lượng xăng tiêu thụ trong nước.
Như vậy 92,8% lượng xăng tiêu thụ của cả nước là được sản xuất nội địa. Và vấn đề là xăng nhập khẩu về VN hiện chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu theo hiệp định thương mại tự do (FTA) là 8%, thấp hơn tới 4% so với mức thuế mà Bộ Tài chính đề xuất.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối ở phía Bắc cho hay không có doanh nghiệp nào lại đi nhập khẩu với mức thuế cao hơn tới 4% cả. Đó là chưa kể tới chi phí vận chuyển từ Nga, Mỹ... tốn kém hơn rất nhiều so với Singapore, Hàn Quốc.
Cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Liên quan đến giá xăng, Bộ Tài chính thừa nhận việc giảm 8% thuế nhập khẩu xăng như đề xuất nêu trên không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước.
Trước áp lực giảm giá xăng dầu trong nước tăng cao nhất từ trước đến nay, ông Trịnh Quang Khanh kiến nghị Bộ Tài chính sớm nghiên cứu và đề xuất mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng lên Quốc hội. Mức giảm cụ thể ra sao thì bộ này cần cân nhắc tính toán. Vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm là 4% và góp phần hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Bộ Tài chính đã chính thức đề nghị giảm thuế nhập khẩu xăng. Nhưng chuyên gia cho rằng chính sách này không nhiều ý nghĩa.
Tỉ trọng thuế trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn. Trong bối cảnh giá tăng cao, bộ đang tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế xăng dầu.