Để ngành y thành 'tượng đài' giải thưởng

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:46:38

Hôm qua (21-6), ngày của ngành báo chí, giải báo chí quốc gia và ở các tỉnh thành đã dành nhiều giải thưởng lớn cho các tác phẩm báo chí viết về tuyến đầu chống dịch.

Các chuyên gia, y bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang ghi tên mình trên áo bảo hộ để dễ dàng nhận biết nhau trước khi vào khu vực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN


Đó là sự hy sinh, gian khổ, mất mát của các bác sĩ, nhân viên y tế trong suốt cuộc chiến chống dịch COVID-19 lịch sử, đầy cam go, ác liệt.


Vinh danh sự dấn thân của các nhà báo không ngại khó khăn vào "chiến trường" để chuyển tải hình ảnh các "chiến sĩ áo trắng" chiến đấu cũng chính là cách mà cả xã hội một lần nữa tôn vinh, trân trọng và dành sự biết ơn đối với những người làm trong ngành y tế. Họ mới là những người hy sinh, gian khổ nhiều nhất trong cuộc chiến. Họ chính là những "tượng đài" giải thưởng trong cuộc chiến sinh tử.

Trước và trong cuộc chiến COVID-19, báo chí đã vui mừng, xúc động viết về nhiều thành tựu y khoa, những tấm gương "lương y như từ mẫu" và cả những câu chuyện thấm đẫm nước mắt của ngành y. Nhưng rồi anh em báo chí cũng ngậm ngùi, nhói lòng khi phải đưa những dòng tin khởi tố, bắt giam những người quản lý ngành y tế.

Trong đó có không ít bác sĩ giỏi, danh tiếng trong ngành. Càng xót xa hơn, những ngày qua, báo chí lại phải viết bài về những nỗi lo toan, khó khăn, thiếu thốn thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của ngành y tế. Chưa bao giờ sứ mệnh chăm sóc, chữa bệnh của toàn ngành y tế lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khủng hoảng mọi mặt như hiện nay.

Các bác sĩ giỏi trong khám chữa bệnh, họ có thể tham gia những cuộc phẫu thuật cho các ca bệnh nan y, phức tạp, vô tiền khoáng hậu, nhưng chính họ lại lúng túng trong cuộc "đại phẫu" căn bệnh hiện nay của chính ngành mình.

Những ngày qua, báo chí không chỉ nêu thực trạng mà đã nỗ lực mổ xẻ nguyên nhân, kiến nghị nhiều giải pháp để giải quyết khủng hoảng ngành y. Từ đáy lòng, từ sự chứng kiến những nỗi vất vả, khó khăn, hy sinh của những người lính áo trắng, chúng tôi - những nhà báo - và hẳn tất cả chúng ta đều mong muốn phải có ngay những giải pháp quyết liệt và toàn diện để gỡ khó khăn, đưa ngành y tế ra khỏi khó khăn, đưa ngành trở lại toàn tâm toàn ý cho sứ mệnh chữa bệnh cứu người.

Hơn bao giờ hết, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để "giải nguy", khơi thông cho ngành y tế. Trước mắt là khơi thông cơ chế, chính sách về đấu thầu, mua sắm để giải ngay "cơn khát" thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Sau đó, về lâu dài là mổ xẻ, đánh giá và điều chỉnh tư duy, chính sách về xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong bệnh viện công; quy định quy hoạch, bố trí cán bộ quản lý các bệnh viện; tỉ lệ ngân sách đầu tư cho y tế; chế độ lương bổng cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế...

Báo chí viết nhiều mảng, khía cạnh tốt và chưa tốt của ngành y tế, nhưng hẳn ai cũng thấy vui và tự hào khi sắp tới thay cho tin, bài về "những bóng mây u ám", trăn trở thiếu thốn, chật vật sẽ là những đề tài thành công của những ca mổ khó, những bác sĩ giỏi, những câu chuyện nhân văn nhân ái và cả những thành tựu nghiên cứu y khoa mang tầm khu vực, quốc tế...

Và để rồi mùa giải báo chí năm sau cũng bội thu giải thưởng viết về những thành tựu và rất nhiều câu chuyện đẹp của ngành y. Bởi tận đáy lòng của các nhà báo và người dân đều mong muốn các y bác sĩ và nhân viên ngành y luôn là "tượng đài" của sự nhân ái, hết lòng vì sự nghiệp chữa bệnh cứu người.

Thiếu thuốc, máy móc trùm mền... là những hiệu ứng sau hàng loạt vụ sai phạm ở ngành y.

Chia sẻ Facebook