Để kê khai tài sản không là hình thức

Chia sẻ Facebook
09/01/2024 04:36:36

Rộ lên mấy ngày vừa rồi là tin các nguyên cán bộ nhúng chàm nộp lại tiền đã chiếm đoạt trái phép. Từ Việt Á, giải cứu tới Xuyên Việt Oil và mới nhất là ông Lưu Bình Nhưỡng. Số tiền từ lớn, tới rất lớn và cực lớn.

Và dư luận đặt câu hỏi là, việc chúng ta lâu nay có mục kê khai tài sản nó như thế nào mà giờ lòi ra nhiều vị có tài sản bất minh nhiều thế?

Tôi có một kỷ niệm vui về kê khai tài sản.

Là hồi còn đi làm, tôi cũng thuộc diện phải kê khai tài sản hàng năm. Nhà tôi nhiều nhất là sách. Năm ấy tôi vừa “mạnh tay” chi tiền đóng hẳn cái tủ sách hết 25 triệu đồng. Gần hai chục năm trước, cái tủ sách 25 triệu đồng thì quả là không phải dạng vừa thật. Khi cầm tờ mẫu kê khai, có mục biến động tài sản, tôi ghi “tủ sách năm trăm triệu”. Tôi ghi thế là hết sức thật, chính xác chứ không phải bỡn cợt, vì số sách khổng lồ của tôi tích cóp mấy chục năm. Vợ tôi giờ có khách của chồng vẫn nhắc, cái thời khó khăn nhất của vợ chồng trẻ nuôi con dại ấy, tôi vẫn trích một phần ba tới một nửa tháng lương để mua sách, đủ biết tôi quý sách và giá trị sách của tôi như thế nào.

Vấn đề là, với sự kê khai trị giá từng ấy tiền thì cơ quan có trách nhiệm sẽ phải kiểm tra. Tôi cũng đợi cấp trên kiểm tra để giải trình. Nhưng cả năm trôi qua, không ai hỏi tôi việc ấy. Có mấy trường hợp xảy ra, trong đó tôi đoán, hồi ấy họ làm cho có chứ không đọc cụ thể từng trường hợp, nhất là tôi, chắc họ nghĩ, nghề viết thì tài sản gì? Hồi ấy câu “Nhà văn nhà báo nhà giáo nhà đài/ bốn nhà cộng lại bằng hai... nhà nghèo” còn phổ biến trong xã hội.

Nhưng bây giờ thì khác rồi, ít nhất mấy năm gần đây, công cuộc đốt lò đã vĩ đại lên rừng rực, nóng lên rừng rực, liên tục được cập nhật qua các kênh thông tin chính thức, bởi những cái tên chỉ nghe thì dân đã sướng mà quan tham thì sợ, là Trần Cẩm Tú, Tô Ân Xô, những người thường xuyên xuất hiện để thông tin về... lò, là gọi nôm na thế.

Thế nhưng, vâng, lại nhưng, có vẻ như các quan tham vẫn... không sợ lò.

Cửa lò liên tục đóng mở đón các quan tham. Và một trong những điệp khúc là trả lại tài sản đã ăn cắp, xong rồi kê khai các loại giấy khen từ nhỏ nhất trở lên. Để mong được ghi nhận là thành khẩn, là có yếu tố được giảm nhẹ vân vân.

Có những vị đến phút cuối, ngấp nghé án tử hình mới chịu “vận động gia đình nộp lại tiền”, và mới nhất có anh cũng "quay xe" như thế được giảm từ chung thân xuống hai mươi năm.

Nó, một mặt thể hiện  sự nhân đạo của pháp luật. Cha ông ta nói “Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.

Nhưng mặt nữa, công chúng cũng đặt câu hỏi, tiền ấy là tiền ăn cắp, tiền chiếm đoạt, giờ trả lại thì là đương nhiên. Nó có phải là thành khẩn, là yếu tố được xem xét để giảm nhẹ đâu.

Và nữa, cái này mới quan trọng, thế thì cái sự kiểm soát của chúng ta lâu nay, cái quy định kê khai tài sản ấy, nó đã được thực hiện như thế nào mà khi đụng chuyện thì mới lòi ra có nhiều quan tham nhiều tiền, nhiều tài sản đến thế?

Một trong những biện pháp chống tham nhũng chúng ta đang làm là bạch hóa tài sản của những người có khả năng, có điều kiện tham nhũng. Kê khai tài sản hàng năm là cách như thế. Chủ trương này rất đúng, rất chính xác, nó thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước với chống tham nhũng, hối lộ. Nhưng có vẻ biện pháp thực hiện cụ thể vẫn còn lỗ hổng. Việc này không chỉ quyết tâm là đủ, mà còn phải khoa học, mời các nhà khoa học kinh tế vào cuộc để họ có những biện pháp cụ thể kiểm soát được dòng tiền, được tài sản phi pháp thì sẽ ngăn chặn được tội phạm từ khi mới manh nha, hay nói như một vị lãnh đạo, có muốn tham nhũng cũng không được.

Hôm nay trên báo có câu chuyện cực cảm động.

Bà mẹ đơn thân, bán một nồi bún ở góc chợ Quán Lát (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) mấy chục năm, nuôi cậu con trai ăn học từ trường làng rồi vào đại học, xong đại học tiếp thạc sĩ. Và trong lễ nhận bằng thạc sĩ, con trai đã khoác áo thạc sĩ cho mẹ rồi quỳ lạy tạ ơn mẹ. Tấm ảnh đã lay động tâm can hàng triệu người.

Người mẹ hạnh phúc trong ngày con trai nhận bằng Thạc sĩ.

Bà mẹ, lần đầu tiên ra khỏi làng, lần đầu tiên nghỉ bán bún 3 ngày ở cái góc quen thuộc chợ quê là để từ quê vào dự lễ ngày con nhận bằng Thạc sĩ. Người con cũng vừa học vừa làm, làm đủ việc, từ chạy grab tới gia sư. Và hiện tại đã được một trường Đại học nhận vào làm cán bộ giảng dạy và đang làm tiếp luận án Tiến sĩ, ước mơ là trở thành Phó giáo sư, Tiến sĩ rồi đưa mẹ đi chơi, đi tham quan các nơi bù đắp một đời mẹ vất vả với gánh bún góc chợ quê nuôi mình nên người.

Rất nhiều người đã khóc khi xem ảnh và đọc câu chuyện này trên báo, có tôi.

Mẹ con người bán bún và Thạc sĩ ấy, đối lập hoàn toàn với các quan tham có hàng triệu đô đựng trong thùng xốp, thậm chí bỏ quên...


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook