Để dòng sông trở thành di sản ngàn năm
Ngàn năm là một ước lệ thời gian, sông Sài Gòn phải là di sản ngàn đời của con cháu, là biểu tượng về sự sống, hồi sinh và phát triển của một thành phố bậc nhất phương Nam và cả nước nói chung.
Do vậy, phát triển sông Sài Gòn không chỉ là kế hoạch năm năm, mười năm, mà phải là chiến lược lớn của thành phố và cả nước.
Ai cũng biết, vị thế của TP.HCM trong bản đồ kinh tế của cả nước luôn là địa phương đứng đầu về nộp ngân sách quốc gia. Như vậy, việc đầu tư cho thành phố, cụ thể là phát triển sông Sài Gòn, một "mảnh đất" còn bỏ ngỏ, chưa được đầu tư xứng tầm sẽ góp phần vào phát triển chung của TP.HCM và cả nước.
Lắng nghe ý kiến chuyên gia, người dân
Theo đó, cần có một số hội thảo về nhiều chuyên đề như phát triển kinh tế sông Sài Gòn; vị trí chính trị - xã hội của dòng sông nơi thành phố mang tên Bác; phát huy giá trị văn hóa - lịch sử sông Sài Gòn…
Khi có sự ngồi lại của các nhà khoa học, với tiếng nói đa phương diện như vậy sẽ góp phần làm sáng tỏ những tiềm năng cũng như hạn chế cần khắc phục, những giá trị cần phát huy và bảo tồn cũng như những mặt trái tồn tại cần loại bỏ… để định vị dòng sông, tìm hướng cho sông Sài Gòn phát triển nhanh và đúng nhất.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục trưng cầu tiếng nói người dân thông qua câu hỏi gợi mở, "quý vị mong muốn sông Sài Gòn có một bộ mặt như thế nào?".
Suy cho cùng, sông Sài Gòn là "tài sản" của toàn dân nên việc kiến thiết dòng sông phải từ chính nguyện vọng và đóng góp của người dân. Sự quan sát từ đôi mắt hàng triệu người dân chắc chắn sẽ sáng tỏ hơn, từ đó chắt lọc các ý kiến hợp lý để đưa vào trong quy hoạch phát triển sông Sài Gòn một cách khoa học nhất.
Xây dựng thương hiệu dòng sông từ giá trị sẵn có và truyền thông
Có thể thấy, gần như tất cả các thành phố trên thế giới đều hình thành bên cạnh những dòng sông lớn. Trong quá trình giao thương truyền thống ngày xưa bằng đường thủy, những khu chợ hoặc thị trấn hình thành nơi các con sông. Chính vì vậy, sông là nơi khởi thủy của những vùng đất trù phú thông qua hoạt động giao thương.
TP.HCM cũng trong quy luật chung ấy, nên nói rằng sông Sài Gòn khởi nguồn cho một thành phố lớn là điều đương nhiên. Với điều ai cũng biết này, định vị sông Sài Gòn là dòng sông đặc biệt bật nhất nước cũng chính là một ý tưởng hay để xây dựng thương hiệu dòng sông.
Thực tế, sông Sài Gòn có thể phát triển du lịch với nhiều mô hình, từ nhà hàng trên sông đến du lịch sinh thái mang tên sông nước với nét đẹp ven sông, sự xanh sạch nơi lòng sông cũng như câu chuyện văn hóa của dòng sông…
Từ kinh tế ven sông đến kinh tế trên sông thông qua ngành "công nghiệp không khói" là điều mà TP.HCM có thể làm được bằng sự năng động, sáng tạo của mình.
Có một điều có thể thấy là ở nhiều quốc gia khác, để tạo nét riêng thu hút, mỗi địa phương ngoài trang bị sự hiện đại cần thiết để phục vụ nhu cầu du khách thì họ còn giữ lại, phục hồi các giá trị truyền thống ngàn năm.
Nếu chỉ đến một địa phương với tính hiện đại thì có lẽ người ta sẽ không đến các nước phương Đông còn nghèo so với Âu, Mỹ.
Làm sao để những điểm đến ven sông Sài Gòn là những trạm dừng chân lịch sử, kể được câu chuyện dòng sông xưa cũng như tái hiện cả quá trình phát triển từ sơ khai đến hôm nay, khi Sài Gòn - TP.HCM trở thành điểm đến sáng ngời trên bản đồ du lịch.
Tất cả cần sự phối kết hợp của các ngành liên quan trong việc phát họa bức tranh của sông Sài Gòn cũng như TP.HCM, trong đó, có truyền thông bằng các sản phẩm đa phương tiện (website, mạng xã hội, video…) với đủ các ngôn ngữ thông dụng.
Muốn làm điều này, các báo lớn cùng vào cuộc xây dựng trang báo chuyển tải câu chuyện dòng sông thật sống động. Một website, một app với hình ảnh, nội dung, video thật hấp dẫn và được quảng bá rộng rãi đến nhiều người, được những người nổi tiếng giới thiệu… thì lo gì độ phủ không cao.
Thêm nữa, có thể học hỏi cách mà nhiều thành phố du lịch, đất nước phát triển khác đã xây dựng, khai thác dòng sông của họ. Từ đó rút ra những điều ta có thể làm từ chính thực tế của sông Sài Gòn hiện nay, để không phải mò mẫm để rồi đi sai, rút kinh nghiệm, tốn thời gian, công sức, tiền bạc.
Trao truyền cho thế hệ trẻ
Làm sao để di sản dòng sông trở thành niềm tự hào của thế hệ này đến thế hệ khác? Giáo dục sẽ làm điều này, bằng cách đưa các nội dung liên quan đến phát triển sông Sài Gòn vào các tiết học, trước tiên của học sinh TP.HCM.
Có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh phổ thông được tham quan, trải nghiệm trên sông Sài Gòn và từ đó có các bài thu hoạch như viết về dòng sông, hiến kế phát triển…
Có đôi khi, tư duy của học sinh lại là một ý tưởng hay để bổ sung vào kế hoạch dài hơi cho việc biến dòng sông thành di sản của Sài Gòn - TP.HCM, để lại cho con cháu ngàn đời niềm tự hào.
Đừng quên, người trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước nói chung, thành phố nói riêng nên họ cần hun đúc tình yêu, khơi gợi các tư duy đóng góp cho sự phát triển của dòng sông nơi họ được nuôi dưỡng.
Mở nhiều đợt vận động sáng tác văn thơ, nhạc, nhiếp ảnh về sông Sài Gòn
Thiết nghĩ, đây sẽ là những "tài sản" phi vật thể để lại lâu dài cho nhiều thế hệ, khơi gợi cho những người trẻ tương lai tình yêu với dòng sông.
Khi thấm đẫm yêu thương sông Sài Gòn qua các tác phẩm văn học, nhạc, nhiếp ảnh về sông Sài Gòn, họ sẽ chú tâm làm cho đối tượng mình yêu thêm đẹp, bảo tồn những giá trị đã có, được cha ông gìn giữ cả bằng máu xương cũng như tâm sức…
Sông và kênh rạch đã tạo nên vóc dáng Sài Gòn - TP.HCM. Nhiều cảng lớn nhỏ hình thành, những phố chợ trên bến dưới thuyền cũng phát triển, cư dân khắp nơi đổ về, tạo ra nền văn hóa sông nước Sài Gòn có sự giao thoa văn hóa thành thị - nông thôn