Để điều trị dứt điểm căn bệnh “3 không”

Chia sẻ Facebook
20/04/2023 10:09:48

Sáng 19/04, tại phiên họp thứ 4 nhằm tập trung thảo luận về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã nêu rõ việc cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn". Những vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Để điều trị dứt điểm căn bệnh “3 không”

Sáng 19/04, tại phiên họp thứ 4 nhằm tập trung thảo luận về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã nêu rõ việc cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều "điểm nghẽn". Những vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Người đứng đầu Chính phủ “điểm danh” một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm; một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.


Điển hình, hôm 16/04, tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn chứng: trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, nội dung hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền TP. Việc này cho thấy có sự đùn đẩy, không phối hợp với nhau. Mặt khác, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành TP chưa chặt chẽ, và sự phối hợp với các bộ, ngành cũng hạn chế, ảnh hưởng đến các khâu hướng dẫn, giải quyết các thủ tục.


Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TP.HCM sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện, cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chưa rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy thực thi nhiệm vụ.


Nhìn nhận thực trạng nói trên, chia sẻ sự thấu hiểu và những bất cập từ nhiều phía, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu cam kết ngắn gọn, mạnh mẽ: “Thời gian tới, cán bộ nào chậm trễ, né tránh, trì trệ, thiếu trách nhiệm, sợ sai phạm không dám làm, cầu an thận trọng quá mức... thành phố sẽ có biện pháp xử lý”.


Vấn đề là trong khi lãnh đạo Chính phủ và những người đứng đầu Đảng bộ, Chính quyền TP.HCM đều tỏ rõ quyết tâm lẫn giải pháp hành động để đối trị căn bệnh “sợ sai, sợ trách nhiệm” trong một bộ phận cán bộ, công chức thì ở cấp cán bộ sở, ngành và cấp chính quyền quận, huyện lại “ủ bệnh”. Trong đó, tồn đọng nhiều hồ sơ nhất ở 5 sở gồm Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội đang tồn đọng công việc nhiều nhất. Riêng cơ quan quản lý về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai bị doanh nghiệp đánh giá thấp và đang "có vấn đề" nhất.

Rõ ràng, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực quan trọng này cũng như vai trò, chức năng, hiệu quả làm việc của bộ phận cán bộ chuyên trách đã không hoàn thành, thậm chí cho thấy sự thụ động kéo dài với tâm lý “không làm để không sai”!

Một lẽ cần minh định: vấn đề không chỉ là phát sinh từ các cuộc “ra quân” phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua mà đây đã là căn bệnh thiếu trách nhiệm mãn tính. Cụ thể, với dự án treo hơn 20 năm khu Mả Lạng hay dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh kéo dài 20 năm vẫn đang bỏ hoang, trách nhiệm của chính quyền, của cơ quan chức năng ở đâu trước cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị “treo” trong sự khốn khó, ngổn ngang hàng chục năm dài như thế.


Do đó, giải pháp đối trị lần này đã được đưa ra khá mạnh mẽ, có tính khả thi cao. Cụ thể đích thân từng thành viên của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ tham gia và làm tổ trưởng các tổ công tác trực tiếp giám sát, đôn đốc tiến độ hơn 38 dự án trọng điểm của thành phố. Các cơ quan có liên quan sẽ tham gia đoàn giám sát. Trong đó, mời cả kiểm toán để tiếp cận hồ sơ, quy trình triển khai từ ban đầu. Hoặc hiện thành phố đang cho rà soát tất cả các văn bản để phân loại thuộc thẩm quyền của cấp nào, báo cáo lãnh đạo thành phố. Việc phân loại này sẽ thấy việc nào ai e ngại, không làm; việc nào báo cáo đúng, việc nào vướng thủ tục pháp luật… Qua công tác rà soát, phân lập văn bản cũng như quá trình tham gia các đoàn giám sát sẽ phát hiện năng lực, trách nhiệm cán bộ để có phương án xử lý, tái sắp xếp…

Để cuối cùng từng bước trị dứt bệnh "3 không" - không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng và giải tỏa triệu chứng “sợ sai, sợ trách nhiệm”. Chỉ như thế chính quyền mới chứng minh được tính đúng đắn và tinh thần có trách nhiệm với doanh nghiệp, người dân.

Quốc Học

Chia sẻ Facebook