'Đế chế tỉ đô' Him Lam và dấu ấn nhà sáng lập Dương Công Minh

Chia sẻ Facebook
11/05/2023 16:32:02

Từ trước khi ông Dương Công Minh rời ghế Chủ tịch, Him Lam đã là 'đế chế' tỉ USD. 'Đế chế' ấy tiếp tục vươn tầm, với tổng tài sản vượt Novaland, Sovico Group.


Đã hơn 5 năm kể từ ngày ông Dương Công Minh từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam (Him Lam Corp), trên website chính thức himlam.com , bản tin về tuyên bố từ chức của nhà sáng lập tập đoàn vẫn được treo nổi bật trên trang chủ. Nó được xếp đầu trong mục “ Tin thị trường ”, sát cạnh mục " Tin tức - sự kiện " - nơi đăng tải những hoạt động mới nhất của công ty, mà bản tin gần nhất được đề ngày 7/4/2023.

Bản tin về ông Minh đề ngày đăng là 06/05/2022 và nguồn dẫn là từ một chuyên trang kinh tế (ndh.vn). Thật ra ndh.vn đã xuất bản bài này từ trước đó khá lâu, cụ thể là ngày 24/11/2017.


"Tôi sẽ từ chức khỏi vị trị Chủ tịch của Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank" - động thái từ nhiệm của ông Dương Công Minh ngày ấy, như VietTimes từng phân tích , là lựa chọn bắt buộc, nếu doanh nhân quê Bắc Ninh này muốn tiếp tục vai trò Chủ tịch Sacombank.


6 năm trên vai trò người đứng đầu Sacombank, ông Dương Công Minh đã chứng minh được nhiều điều và được thị trường thừa nhận như người có công đầu trong công cuộc tái cơ cấu Sacombank rất thành công đến thời điểm này. Nhìn nhận khách quan, ông Minh đã có một lựa chọn tốt, tốt cho cả Sacombank và cả thị trường. Hệ thống cũng có một hình mẫu tốt để tham khảo cho nỗ lực tái cơ cấu các ngân hàng có vấn đề.

Him Lam Corp đã phải 'nhường' vị Chủ tịch kỳ cựu của mình cho Sacombank, nhưng - như đã thấy - ‘người Him Lam' vẫn hướng về ông.

Dấu ấn ông Dương Công Minh

Rời ghế Chủ tịch Him Lam để tập trung cho sứ mệnh hồi sinh Sacombank, ông Dương Công Minh ít xuất hiện hơn hẳn ở các sự kiện công khai của tập đoàn mà ông khởi dựng.

Thi thoảng mới có một sự kiện hiếm hoi gắn với Him Lam mà ông Minh tham dự được truyền thông đăng tải.


Có thể kể đến như cuối năm 2018, trong buổi lễ ra mắt một nền tảng giao dịch bất động sản thông minh có sự đồng hành của Him Lam trong vai trò đối tác chiến lược. " Đừng học Him Lam, chúng ta hãy học Vingroup ấy " - câu nói ấn tượng của vị diễn giả mà nhiều trang tin nêu là "ông chủ Him Lam" sau đó đã được lan tỏa rất mạnh trên mạng xã hội và các diễn đàn về kinh tế, khởi nghiệp.

Báo Điện tử Chính phủ

" Với vai trò là chủ của Tập đoàn Him Lam , chúng tôi xin đề xuất về chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân như sau: Hiện nay Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp, nhưng tôi thấy nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân, như ở TPHCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có. Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, chứ còn nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu".


Sau khi rời ghế Chủ tịch HĐQT, các tài liệu công bố công khai cũng cho thấy, ông Dương Công Minh không còn đứng tên cổ phần tại Him Lam Corp hay Him Lam Land - một pháp nhân quan trọng khác trong hệ sinh thái Him Lam. Có chăng chỉ là sự sự xuất hiện của một số người nhà, như người em gái làm thành viên HĐQT Him Lam Corp, hay người anh họ ở vị trí Chủ tịch HĐQT Him Lam Land. Lượng lớn cổ phần Him Lam Land, theo tìm hiểu, được đứng tên bởi một thể nhân họ Dương (sinh năm 1974) - anh trai của một cựu lãnh đạo LienVietPostBank.

‘Đế chế’ tỉ USD


Him Lam - 'đế chế tỉ USD' , vị thế ấy thật ra đã được xác lập từ lâu, trước cả khi nhà sáng lập Dương Công Minh gia nhập Sacombank. Chỉ có điều, Him Lam không phải công ty đại chúng nên thị trường ít có cơ hội cập nhật.

Dữ liệu từ một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của Him Lam Corp đã là 45.655 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD), cao gấp 7 lần vốn chủ sở hữu.

Năm 2017, Him Lam Corp triệt thoái 96,8 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 14,98% cổ phần của LienVietPostBank, tuy nhiên, lợi nhuận thuần mà doanh nghiệp này ghi nhận trong năm chỉ đạt 37,55 tỉ đồng, bằng một nửa so với kết quả năm 2016.


Bước sang năm 2018 – năm đầu ông Dương Công Minh không còn làm Chủ tịch HĐQT Him Lam Corp – doanh thu thuần của công ty này giảm nhẹ, về mức 1.884,5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong 2 năm sau đó, dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu thuần của Him Lam Corp có sự phục hồi và bứt phá ấn tượng.

Đỉnh điểm là năm 2020, công ty này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 4.488 tỉ đồng. Năm 2021, doanh thu thuần của Him Lam Corp giảm về mức 2.222 tỉ đồng nhưng vẫn vượt trội so với giai đoạn 2016 – 2017.

Tổng tài sản của Him Lam Corp cũng ‘nở’ mạnh, đạt mức 96.598 tỉ đồng (tương đương 4 tỉ USD) vào cuối năm 2021 – tăng gấp đôi sau 4 năm ông Dương Công Minh rời ghế Chủ tịch HĐQT.


Quy mô tổng tài sản của Him Lam Corp tại thời điểm này vượt xa Novaland (79.675,8 tỉ đồng) hay Sovico Group (55.056,6 tỉ đồng). V ốn chủ sở hữu không có nhiều biến động, nên tỷ lệ sử dụng đòn bẩy của Him lam Corp khá cao, khi tài sản phần lớn được hình thành từ nợ phải trả.


Tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của tập đoàn, theo đó, còn khiêm tốn. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2021, tổng doanh thu thuần của Him Lam Corp ở mức 10.555 tỉ đồng, cao gấp 2,7 lần so với giai đoạn 2016 – 2017, song công ty này chỉ mang về tổng cộng 93,6 tỉ đồng lợi nhuận thuần (trong 4 năm), chưa bằng tổng số lợi nhuận trong 2 năm cuối ông Dương Công Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Không chỉ gia cố vị thế ở 2 thị trường chiến lược là Hà Nội và Tp. HCM, Him Lam Corp đang đẩy mạnh hoạt động tới các thị trường vùng ven. Giữa năm ngoái, tập đoàn này gây chú ý khi ký kết bản ghi nhớ đầu tư 6,2 tỉ USD vào tỉnh Hậu Giang, gồm các lĩnh vực đô thị, du lịch và hạ tầng giao thông.


Họ cũng để lại dấu ấn trong nỗ lực xử lý nợ xấu ở Sacombank. Đồng thời vẫn giữ quan hệ tín dụng với nhà băng thành viên một thuở, là LietVietPostBank .

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 24/3/2023, Him Lam Corp đã tăng vốn từ 6.500 tỉ đồng lên mức 10.000 tỉ đồng.

Him Lam Land báo lãi đột biến

Him Lam Land mới đây đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với khoản lãi ấn tượng 2.379,7 tỉ đồng, cao gấp 13,8 lần so với năm 2021. Hai năm trước đó, lợi nhuận sau thuế của Him Lam Land cũng chưa vượt quá 200 tỉ đồng.

Trên bảng cân đối, tại thời điểm ngày 31/12/2022, quy mô vốn chủ sở hữu của Him Lam Land đạt 2.144,6 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Nên có khả năng khoản lợi nhuận đột biến trong năm 2022 đã được Him Lam Land chia cho các cổ đông của công ty.

Ở thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Him Lam Land ở mức 16.900 tỉ đồng. Doanh nghiệp này cũng không còn dư nợ trái phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, Him Lam Land từng nhận được nhiều quan tâm khi là cựu cổ đông lớn của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – Mã CK: DIG).

Mối duyên giữa 2 doanh nghiệp này được ghi nhận từ tháng 9/2020, khi ban lãnh đạo DIG trình cổ đông kế hoạch hợp tác với Him Lam Land để đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu (có tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được cổ đông DIG thông qua.

Tới đầu tháng 12/2020, Him Lam Land trở thành cổ đông lớn của DIG, sau khi mua gần 67,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 21,49% vốn điều lệ. Khi đó, cổ phiếu DIG đang vận động ở vùng giá 18.000 - 20.000 đồng/cp.

Đến tháng 8/2021, khi cổ phiếu DIG tăng lên vùng giá 34.000 đồng/cp, Him Lam Land rục rịch thoái bớt vốn tại đây.

Cổ phiếu DIG sau đó bước vào nhịp tăng phi mã, có lúc thiết lập mức đỉnh lịch sử gần 120.000 đồng/cp, trước khi trải qua nhịp điều chỉnh mạnh trong nửa đầu năm 2022.

Trong khi cổ phiếu DIG thăng hoa ở vùng đỉnh, Him Lam Land đã bán ra lượng lớn cổ phiếu. Đến cuối tháng 4/2022, Him Lam Land đã giảm tỉ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không phải tiếp tục công bố thông tin do không còn là cổ đông lớn của DIG.


Dù vậy, ở thời điểm đó, giá cổ phiếu DIG vẫn đang vận động ở vùng giá 60.000 đồng/cp - cao gấp 3 lần vùng giá mà Him Lam Land đã gom mua trước đó./.

Chia sẻ Facebook