'Đế chế' Long Sơn của doanh nhân Trịnh Quang Hải
VietTimes – Hơn 2 thập kỷ kiến tạo Long Sơn, doanh nhân Trịnh Quang Hải đã gây dựng được một 'đế chế' kinh doanh đồ sộ. Thép là mảnh ghép mới nhất mà doanh nhân này hướng đến.
Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế Bình Định - lãnh đạo Bình định đã khẳng như vậy tại buổi thông tin chủ trương dự án hôm 30/5.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 60.000 tỉ đồng, thực lực của nhà đầu tư phía sau dự án là vấn đề được truyền thông và thị trường quan tâm. Không lạ khi số lượng tìm kiếm từ khóa "Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ" đang tăng trên Google.
Thành lập tháng 7/2021, Công ty cổ phần gang thép Long Sơn Phù Mỹ là pháp nhân dự án nhưng để đánh giá về thực lực của nhà đầu tư đứng sau siêu dự án gang thép nêu trên, có lẽ nên xem xét công ty mẹ của nó: Công ty TNHH Long Sơn (viết tắt: Long Sơn ).
Chưa phải là một tên tuổi trong ngành thép nhưng Long Sơn là một doanh nghiệp có thực lực, với tổng tài sản đạt 12.028 tỉ đồng, cùng vốn chủ sở hữu đạt 2.730 tỉ đồng vào cuối năm 2021.
Ghi nhận 15.709 tỉ đồng doanh thu thuần, năm 2021, Long Sơn báo lãi ròng ở mức 524 tỉ đồng năm 2021. Kết quả kinh doanh của công ty cho thấy sự tăng trưởng tốt và bền khi 5 năm trước, giá trị doanh thu thuần chưa chạm mốc 3.000 tỉ đồng.
Đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại phường Trung Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, Long Sơn có lịch sử hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển (thành lập tháng 9/2001), với sự chi phối tuyệt đối về sở hữu bởi gia đình nhà sáng lập Trịnh Quang Hải. Doanh nhân sinh năm 1968 cũng trực tiếp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Long Sơn.
Tính đến tháng 12/2022, Long Sơn có vốn điều lệ 2.213,1 tỉ đồng. Trong đó, ông Trịnh Quang Hải góp 1.930,5 tỉ đồng, chiếm 87,23%. Bà Đỗ Thị Lan – vợ ông Hải – chiếm 7,802%. Phần vốn còn lại (4,968%) do ông Bùi Duy Ngọc nắm giữ.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, hạ tuần tháng 4/2023, vợ chồng Chủ tịch Trịnh Quang Hải đã thế chấp phần vốn góp trị giá 1.930,5 tỉ đồng, tương đương 87,23% vốn điều lệ Long Sơn tại một nhà băng trong nước.
Long Sơn có gì?
Đặt trụ sở chính tại thành phố tây nam tỉnh Ninh Bình, nhưng dấu ấn đầu tư lớn nhất của Long Sơn lại ở bên kia đèo Tam Điệp, với dự án Nhà máy xi măng Long Sơn.
"Nhà máy xi măng Long Sơn được xây dựng tại phường Đông Sơn Thị xã Bỉm Sơn tỉnh Thanh Hóa, với 4 dây chuyền đồng bộ tổng công suất hơn 10 triệu tấn/năm. Đây là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của Công ty TNHH Long Sơn và góp phần tạo nên cụm công nghiệp xi măng lớn nhất tại thị xã Bỉm Sơn tỉnh Thanh Hóa" - website của Long Son Cement giới thiệu.
Dấu ấn của doanh nhân Trịnh Quang Hải ở tỉnh quê hương không dừng lại ở đó.
Tháng 7/2016, Long Sơn được Thanh Hóa chấp nhận chủ trương đầu tư dự án cảng container Long Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất thiết kế khoảng 1-2 triệu Teu/năm, tổng vốn đầu tư 3.600 tỉ đồng. Gặp nhiều vướng mắc trong triển khai, dự án đã được Thanh Hóa gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư.
Ngoài dự án cảng trên, Long Sơn cũng được biết đến trong vai trò chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp Long Sơn tại khu bến cảng tổng hợp Nam Nghi Sơn. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng, diện tích 28ha, bao gồm 4 bến cảng với tổng chiều dài 1.000m.
Vươn tầm ra ngoài khu vực Bắc Trung Bộ, Long Sơn hiện sở hữu một số dự án khai thác mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu sản xuất và 3 nhà máy đóng bao xi măng tại KCN Ninh Thủy (Khánh Hòa), KCN Nhựt Chánh (Long An) và Cảng Hào Hưng (Quảng Ngãi).
Ngoài ra, 'đế chế' kinh doanh của ông Trịnh Quang Hải còn có hàng loạt những mảnh ghép đáng chú ý khác, có thể kể đến như Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn, CTCP Năng lượng Long Sơn, Công ty TNHH Eni-Florence Việt Nam, CTCP Rock Wool Hualong Việt Nam.
Trong đó, CTCP Năng lượng Long Sơn - công ty con do Long Sơn sở hữu 98% vốn điều lệ - là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Long Sơn tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, có công suất 170MW, tổng đầu tư 2.600 tỉ đồng.
Hay Công ty TNHH Eni-Florence Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại ắc quy, với hai thương hiệu chính là Enimac và Troy, sử dụng cho các mục đích khác nhau như dân dụng, cho xe máy, xe oto, tàu thuyền./.