ĐCSTQ nhốt người bất đồng chính kiến vào viện tâm thần để tra tấn, bức hại
ĐCSTQ đã cưỡng chế đưa ít nhất gần 100 người bất đồng chính kiến đến các bệnh viện tâm thần do cảnh sát điều hành
Báo cáo mới có tựa đề “Các nhà tù Bệnh viện Tâm thần Trung Quốc” do tổ chức nhân quyền “Safeguard Defenders” công bố ngày 16/8 cho thấy, trong nhiều thập kỷ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cưỡng chế đưa ít nhất gần 100 người bất đồng chính kiến đến các bệnh viện tâm thần do cảnh sát điều hành, tại đó nạn nhân bị sốc điện và ép buộc uống thuốc độc suốt 10 năm.
Báo cáo cũng trích dẫn trường hợp của Đổng Dao Quỳnh – “cô gái hất mực” – người đã hất mực lên chân dung của ông Tập Cận Bình, và Lý Điền Điền – một nữ giáo viên đang mang thai.
Báo cáo của “Safeguard Defenders” về hệ thống “An Khang” của Trung Quốc viết: “Trong 2/3 vụ án ‘An Khang’, nạn nhân không nhận được đánh giá tâm thần theo luật định, cho thấy bệnh viện có sự thông đồng với cảnh sát.”
Báo cáo cho biết, nạn nhân bị ngược đãi về thể chất và tinh thần, như bị sốc điện mà không được gây mê, bị ép nằm trên phân và nước tiểu của mình, bị đánh đập, bị trói vào giường, hoặc bị ngăn không được nói và gặp người nhà hoặc luật sư.
Ông Mưu Ngôn Tân (Yanxin Mou), tác giả của báo cáo, mô tả hệ thống “An khang” là một “lỗ đen” khổng lồ, và dữ liệu được báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, “không có thông tin công khai, hoặc một kênh khả thi nào có thể ước tính chính xác quy mô của hệ thống này.”
Báo cáo cho thấy, có ít nhất 109 bệnh viện tâm thần trong hệ thống “An khang” hoặc các cơ sở tương tự ở Trung Quốc; từ năm 2015 – 2021, có ít nhất 144 người nhập viện không tự nguyện; “Safeguard Defenders” tìm thấy dữ liệu từ nhóm nhân quyền “Quan sát dân sinh” (Minshengguancha) của Trung Quốc, có 99 nạn nhân ở 21 tỉnh, cho thấy mức độ lan rộng của kiểu bức hại này.
1/3 trong số họ nhiều lần bị đưa vào bệnh viện tâm thần, 2 người ít nhất bị giam 5 lần và 1 người bị giam giữ 20 lần; khoảng 50 người bị giam giữ hơn nửa năm, 9 người trong số họ đã bị cầm tù hơn 10 năm.
“Hệ thống này được gọi là ‘An khang’, là hệ thống bệnh viện tâm thần do Trung Quốc thành lập vào những năm 1980 và chủ yếu do cảnh sát điều hành. Hầu hết nạn nhân bị nhốt trong các bệnh viện tâm thần là người bình thường. Nghĩa là các bác sĩ và bệnh viện thông đồng với chính quyền Trung Quốc, khiến các nạn nhân phải nhập viện không tự nguyện một cách không cần thiết về mặt y tế, và cưỡng chế họ dùng thuốc,” báo cáo cho biết.
“Điều này phản ánh ở Trung Quốc, tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định được đặt trên tất cả mọi thứ khác, gồm cả quyền con người của mọi người”, Della – đồng tác giả của báo cáo, nói với đài Deutsche Welle của Đức.
Safeguard Defenders thấy rằng trong khi ĐCSTQ đã thông qua “Luật Sức khỏe Tâm thần” từ một thập kỷ trước, nhằm ngăn chặn những hành vi ngược đãi như vậy, nhưng tổ chức này lại nhận thấy cảnh sát địa phương và nhân viên chính phủ vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống “An Khang” để trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Báo cáo cũng lấy Đổng Giao Quỳnh, “cô gái hất mực” 30 tuổi làm ví dụ. Tháng 7/2018, Đổng Giao Quỳnh đã đăng một video lên Twitter, về việc hất mực vào ảnh chân dung của ông Tập Cận Bình, nhằm lên án sự cai trị chuyên chế của ông Tập. Sau đó cô bị cảnh sát đưa đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hồ Nam giám sát 24 giờ, và bị buộc phải dùng thuốc tâm thần. Cô bị giam giữ 1 năm sau mới được thả.
Tháng 5/2020, cô lại bị giam trong bệnh viện tâm thần, bị đánh đập và trói vào giường. Nửa năm sau, khi được thả, cô xuất hiện các triệu chứng mất trí nhớ và chứng hoảng sợ về đêm. Đầu năm 2021, cô lại bị đưa trở lại bệnh viện lần thứ 3, và hiện vẫn bặt vô âm tín.
Trong một trường hợp khác, cô Lý Điền Điền, một giáo viên đang mang thai ở Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, đã bị cảnh sát hẹn gặp vào tháng 12 năm ngoái vì lên tiếng ủng hộ giáo viên Tống Canh Nhất, người đã thẩm vấn dữ liệu về Vụ thảm sát Nam Kinh. Cô được yêu cầu “ký tên nhận lỗi” vì những bình luận của mình trên Weibo, và bị buộc đưa vào bệnh viện tâm thần.
Safeguard Defenders chỉ ra rằng ĐCSTQ đã tăng cường nỗ lực “duy trì sự ổn định” trong những năm gần đây. Năm 2019, ngân sách “duy trì sự ổn định” cao tới khoảng 1.390 tỷ nhân dân tệ (khoảng 205 tỷ USD), vượt quá mức chi tiêu quân sự.
Tống Tại Dân, một nhà bất đồng chính kiến đã trình bày nguyên nhân: “Điều khủng khiếp nhất khi bị giam trong bệnh viện tâm thần là không có thời hạn. Bạn có thể bị giam ở đó 20 năm, thậm chí 30 năm.”
Chuyên gia: Cuộc bức hại quy mô lớn bắt đầu từ cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Ông Yokogawa, một chuyên gia về Trung Quốc, nói rằng cuộc đàn áp bệnh tâm thần quy mô lớn đối với những người bất đồng chính kiến, bắt đầu từ cuộc đàn áp nhóm Pháp Luân Công và kéo dài cho đến tận ngày nay.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” , với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và người dân được đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.
Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.
Theo Minghui.org, ĐCSTQ đã buộc các học viên Pháp Luân Công có sức khỏe tốt và tinh thần bình thường phải từ bỏ tín ngưỡng của họ, bằng cách nhốt họ vào các bệnh viện tâm thần.
“Báo cáo Minh Huệ tròn 20 năm” đã chỉ ra rằng tại các bệnh viện tâm thần, cảnh sát ĐCSTQ đã sử dụng nhiều hình thức đánh đập bạo lực đối với học viên Pháp Luân Công, như đá, kéo lê, trói, cùm chân cùm tay và các thủ đoạn tra tấn khác, như dùng dùi cui điện, kim điện, điện gây mê, ghế điện…
Bức hại bằng thuốc gồm ép uống thuốc độc; cạy miệng để đổ thuốc; bức thực qua đường mũi, tiêm, truyền thuốc độc; trộn lẫn chất độc với thức ăn; ép uống rượu mạnh với số lượng lớn, thậm chí cả phân và nước tiểu.
Tra tấn tinh thần gồm cưỡng bức ngủ khoảng 20 giờ một ngày; thời gian giam giữ không giới hạn, và tra tấn lặp đi lặp lại cho đến khi nạn nhân suy sụp tinh thần hoặc chết.
Hậu quả trực tiếp của kiểu đàn áp trên là khiến nạn nhân tử vong, điên loạn, điếc, mù, mất trí nhớ, mất khả năng nói, ngơ ngẩn, liệt toàn thân hoặc liệt một phần; hệ cơ và nội tạng thối rữa, suy nội tạng, đại tiện không tự chủ, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, v.v.
Minghui.org cũng liệt kê nhiều trường hợp, nhưng tại đây chỉ lấy một ví dụ về học viên Pháp Luân Công Tô Cương, 32 tuổi, kỹ sư máy tính tại Công ty Hóa dầu Tề Lỗ ở tỉnh Sơn Đông.
Ngày 23/5/2000, ông bị cảnh sát và Công ty Hóa dầu Tề Lỗ đưa đến Bệnh viện Tâm thần Xương Lạc, thành phố Duy Phường khi “không có vấn đề gì về tâm thần”.
Hàng ngày ông bị tiêm một lượng lớn thuốc phá hủy hệ thần kinh trung ương. Sau 9 ngày, đôi mắt của ông Tô Cương trở nên đờ đẫn, biểu hiện tê dại, phản ứng chậm chạp, chân tay tê cứng, mặt trắng bệch, cơ thể trở nên vô cùng yếu ớt. Ngày 10/6, ông qua đời vì trụy tim.
Bình Minh (t/h)
Số người thoái các tổ chức của ĐCSTQ đã vượt quá 400 triệu 7:00 tối theo giờ Bắc Kinh vào ngày 3/8/2022, số người thoái đảng, đoàn và đội của ĐCSTQ đã vượt mốc 400 triệu người.