ĐCSTQ gây áp lực, buộc các hãng công nghệ kiểm duyệt nội dung biểu tình
Cơ quan quản lý mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây áp lực, buộc các công ty công nghệ lớn mở rộng kiểm duyệt thông tin về các cuộc biểu tình chống ‘Zero COVID’, cấm sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để vượt tường lửa trong các hoạt động bán hàng và tìm kiếm.
Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ, hôm thứ Ba (29/11) cơ quan quản lý không gian mạng của ĐCSTQ đã chỉ thị cho các công ty công nghệ lớn mở rộng kiểm duyệt thông tin về biểu tình chống ‘Zero COVID’. Các công ty bao gồm Tencent và ByteDance (công ty mẹ của các ứng dụng video ngắn TikTok và Douyin), đã bổ sung nhân viên vào các nhóm kiểm duyệt internet theo yêu cầu của chính quyền.
Họ cũng được yêu cầu đặc biệt chú ý nội dung liên quan đến các cuộc biểu tình, nhất là tại các trường đại học Trung Quốc và bất kỳ thông tin nào liên quan đến vụ cháy ở Tân Cương. Vụ hỏa hoạn ngày 24/11 này đã gây ra phản ứng dữ dội đối với các chính sách ‘Zero COVID’ trên toàn Trung Quốc, vì nhiều người cho rằng biện pháp chống dịch này đã trì hoãn công tác cứu hỏa dẫn đến thảm kịch.
Sự thật đằng sau vụ cháy ở Tân Cương kích hoạt làn sóng biểu tình trên toàn Trung Quốc
Nguồn tin cho biết chỉ thị được đưa ra sau một cuộc họp nội bộ của Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc, theo đó cơ quan chức năng này đề nghị các công cụ tìm kiếm, công ty thương mại điện tử và nền tảng nội dung internet của Trung Quốc tiến hành đợt thanh lọc mới, đặc biệt loại bỏ những nội dung bán và dạy cách sử dụng VPN vượt tường lửa.
Nguồn tin cho biết các công ty cũng được yêu cầu loại bỏ các tìm kiếm liên quan đến VPN. Bởi vì những người biểu tình đã sử dụng VPN để truyền phát video lên mạng xã hội nước ngoài.
Cuối tuần qua, đông đảo người Trung Quốc ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… đã xuống đường biểu tình kêu gọi chấm dứt chính sách ‘Zero COVID’. Trong nhiều năm qua, đây là động thái lớn hiếm hoi chống lại nhà cầm quyền của người dân Trung Quốc.
Vài ngày sau đó, chính quyền ĐCSTQ đã triển khai cảnh sát dày đặc tại các thành phố lớn để ngăn người biểu tình xuống đường, sử dụng dữ liệu điện thoại di động và các trang mạng xã hội để săn lùng và thẩm vấn người biểu tình. Dưới trấn áp nghiêm ngặt, các cuộc biểu tình trên đường phố đã dần lắng xuống.
ĐCSTQ đàn áp “Phong trào Giấy trắng”: Bức ảnh khiến nhiều người Trung Quốc rơi lệ
Đồng thời, nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc cũng lặng lẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hôm thứ Năm (1/12), nhà chức trách Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép những người có kết quả xét nghiệm dương tính được cách ly tại nhà thay vì ở bệnh viện cabin, cũng ngừng bắt buộc xét nghiệm axit nucleic trên diện rộng. Hôm thứ Tư, Quảng Châu quyết định bỏ xét nghiệm axit nucleic trên toàn thành phố và rút ngắn thời gian cách ly.
Đến nay, nhiều công ty Internet Trung Quốc đã gỡ bỏ các video biểu tình phản đối trong nước, đồng thời các video và hình ảnh tượng trưng như “tờ giấy trắng” cũng bị kiểm duyệt.
Tuy nhiên, một số lượng lớn video, hình ảnh và nội dung khác đã được chia sẻ lên mạng xã hội Twitter cũng như các trang web khác ở nước ngoài nhờ vào dùng VPN vượt tường lửa.
Theo số liệu của công ty phân tích dữ liệu di động Sensor Tower, ngày 28/11 Twitter đứng thứ 8 về số lượt tải xuống miễn phí trên App Store của Apple ở Trung Quốc, cao nhất trong lịch sử. Thời điểm trước đó khi chưa nổ ra các cuộc biểu tình thì Twitter chỉ được xếp hạng trong khoảng dao động từ 104 đến 152.
Tại Trung Quốc, các công ty được cấp phép sử dụng VPN chủ yếu do các nhà khai thác viễn thông nhà nước cung cấp để gửi email và truyền dữ liệu an toàn. Kể từ năm 1997, VPN đã trở thành cách phổ biến để người Trung Quốc vượt qua hệ thống giám sát mạng chặt chẽ của ĐCSTQ khi truy cập các trang web nước ngoài.
Nhưng sau các cuộc biểu tình, ngoài việc yêu cầu các công ty công nghệ xóa các bài đăng bán VPN, Cục Quản lý Không gian Mạng còn chặn người dùng tìm kiếm các cụm từ liên quan đến VPN, chẳng hạn như “khoa học lướt mạng” .
Nhà nghiên cứu Kenton Thibaut tại Hội đồng Đại Tây Dương chuyên về Trung Quốc, nói với WSJ rằng động thái của ĐCSTQ là nhằm ngăn chặn người Hoa ở nước ngoài tổ chức các cuộc biểu tình để thể hiện tình đoàn kết, và ngăn cản các nhà hoạt động trong nước nhận được sự ủng hộ của quốc tế – hai điều này đều có thể châm thêm dầu vào lửa khiến hoạt động biểu tình leo thang lớn hơn.
Người phát ngôn của Surfshark – nhà cung cấp VPN có trụ sở tại Amsterdam – cho biết trong một email rằng lượt tải xuống dịch vụ của họ đã tăng đột biến vào thời gian nổ ra các cuộc biểu tình ở Trung Quốc. Số lượng yêu cầu khắc phục sự cố ở Trung Quốc cũng tăng lên trong cùng thời gian, vì chính quyền ĐCSTQ tìm cách gây khó khăn hơn cho công dân Trung Quốc trong việc sử dụng các công cụ vượt tường lửa này.
Theo Lý Hy, Epoch Times
Apple phải chăng lặng lẽ hợp tác với Bắc Kinh đối phó người dân? Gần đây, Apple đã hạn chế chức năng AirDrop, chức năng từng rất hữu dụng trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông trước đây.