ĐBSCL thiếu hụt nhân lực để chuyển đổi số
Việc xây dựng chính quyền số ở ĐBSCL không đơn giản vì chuyên gia còn hiếm nên cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực
Bảng xếp hạng chuyển đổi số (CĐS) cấp tỉnh năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố cho thấy phần lớn các địa phương ĐBSCL ở nhóm giữa hoặc cuối bảng. ĐBSCL không có địa phương nào nằm trong tốp 10 tỉnh, thành đứng đầu về CĐS. Trong 63 tỉnh, thành, Cần Thơ xếp hạng 15, Đồng Tháp hạng 49, Sóc Trăng 56, Bạc Liêu 63...
Thách thức từ việc "chảy máu chất xám"
Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của quốc gia nhưng tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL đang chậm lại, ô nhiễm môi trường gia tăng, đối diện với thách thức biến đổi khí hậu…
Mới đây, trong buổi làm việc với các tỉnh, thành ĐBSCL, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhìn nhận CĐS để cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của toàn vùng.
"CĐS giúp nông dân tránh được cảnh được mùa mất giá, phụ thuộc vào thương lái; truy xuất nguồn gốc hàng hóa sử dụng công nghệ số Blockchain để tránh hàng giả, hàng nhái… Hiện nay, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến của ĐBSCL thấp hơn bình quân chung của khu vực, chỉ cao hơn 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Vì vậy, cần đẩy nhanh việc đưa dịch vụ công lên trực tuyến, phát triển 100% dịch vụ công trực tuyến đối với dịch vụ đủ điều kiện một cách thực chất" - Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đến nay, Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về CĐS. Trong đó, Cần Thơ xác định bảo đảm 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS cấp thành phố. Các ngành, địa phương ở Cần Thơ cũng đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác, tổ công nghệ số cộng đồng để triển khai thực hiện. Để hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt đề án "Xây dựng Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
UBND tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành kế hoạch thực hiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp CĐS nhằm giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Trong đó, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử, website có chức năng thương mại điện tử; kết nối, liên kết với các sàn giao dịch, kết nối cung - cầu theo từng ngành, lĩnh vực.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Anh, Khoa Luật - Trường ĐH Cần Thơ, tình trạng "chảy máu chất xám" từ các địa phương ở ĐBSCL đến nhiều thành phố lớn trong cả nước là một thách thức cho vùng. ĐBSCL có nhiều trường ĐH lớn, có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Song, do thiếu cơ hội việc làm tốt nên một tỉ lệ lớn nguồn nhân lực chất lượng cao có khuynh hướng di cư về miền Đông Nam Bộ.
Thời gian qua, nhiều tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang… đều có chính sách thu hút tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa… Ai cam kết phục vụ lâu dài cho địa phương sẽ được đãi ngộ từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đãi ngộ, thu hút nhân tài bằng số tiền cụ thể vẫn chưa thể là giải pháp tốt nhất. Bởi với người có hàm lượng chất xám cao, đôi khi tiền không quan trọng mà cái họ cần là môi trường làm việc, cách trọng dụng…
Ưu tiên chuyển đổi số trong giáo dục
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình CĐS trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn. Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể về phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đến năm 2025 có 50%, đến năm 2030 có 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số. Về đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, phấn đấu 70% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức CĐS; 100% chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng để người dân ĐBSCL được nâng cao chất lượng cuộc sống thì phải CĐS trong giáo dục, y tế. "CĐS bằng cách chọn nền tảng dạy - học trực tuyến, học sinh nông thôn cũng được giảng dạy bởi giáo viên tốt nhất ở thành thị/nước ngoài, học sinh mọi miền đều có cơ hội tiếp cận học liệu như nhau; công tác giảng dạy được hỗ trợ bằng AI, học sinh được hỗ trợ tự học, cá thể hóa theo trình độ, năng lực" - Thứ trưởng Phan Tâm gợi ý.
Đổi mới chương trình đào tạo
Theo GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, lao động tại ĐBSCL hiện phần lớn chưa qua đào tạo. Chỉ khoảng 7% dân số ở bậc ĐH, so với cả nước là 63%, cho thấy vấn đề đào tạo và trình độ nguồn nhân lực của ĐBSCL rất thấp. Nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL kém về chất lượng, rất khó khăn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ĐBSCL, theo GS-TS Hà Thanh Toàn, một trong những giải pháp cần làm hiện nay về mặt giáo dục - đào tạo là phải đổi mới chương trình đào tạo thích ứng trong điều kiện mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, với vấn đề hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin...