ĐBSCL phù hợp với xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp
Du lịch sinh thái và gần đây là du lịch nông nghiệp sẽ là xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thế mạnh nhưng cũng còn vướng một số chính sách cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.
Đó là nhận định chung của các đại biểu và chuyên gia tham dự Diễn đàn Kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II, ngày 20-5 tại tỉnh Đồng Tháp, với sự chủ trì của lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Ông Hà Văn Siêu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Những năm gần đây, kể từ khi có chương trình hợp tác liên kết du lịch với TP.HCM đang mở ra cơ hội thúc đẩy khu vực nói chung và du lịch nói riêng đầu tư, thu hút nguồn lực, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nông nghiệp.
"Trước hết, để làm được điều này chúng ta cần tập trung vào 3 thế mạnh nổi trội của vùng đó là lúa, trái cây và cá, ứng với chuỗi canh tác nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ. Chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp chính là quá trình tạo ra trải nghiệm du lịch, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch", ông Siêu nói.
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - nhận định sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch chung đã có sự thay đổi. Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe và trải nghiệm gắn với thiên nhiên; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa là xu hướng chủ đạo.
"Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM trong bối cảnh mới, chúng ta cần kết nối hạ tầng giao thông để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; kích cầu đầu tư hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức cá nhân phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm với chất lượng và nguồn cung đảm bảo; chất lượng sản phẩm du lịch phải độc đáo, đa dạng thị hiếu của từng độ tuổi và nhu cầu riêng của khách hàng; đảm bảo tính bền vững và gắn với bảo tồn phát huy bản sắc của địa phương", ông Đức nói.
Còn ông Phan Đình Huê - chủ tịch Công ty du lịch Vòng Tròn Việt - đánh giá hầu hết Đồng bằng sông Cửu Long đều có thế mạnh về du lịch sinh thái và gần đây là du lịch nông nghiệp, tuy nhiên về dịch vụ lưu trú còn khá yếu.
"Các điểm du lịch hiện nay đều do nông dân làm, liên kết hợp tác xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng khá hấp dẫn, có sự phối hợp quảng bá của truyền thông và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đất của bà con là đất nông nghiệp, giải quyết cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở lưu trú còn nhiều khó khăn. Nên chăng thành lập một dự án để điều hành hoạt động du lịch của vùng một cách chuyên nghiệp", ông Huê kỳ vọng.
Bà Cao Xuân Thu Vân - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - nêu ra điểm nghẽn về du lịch nông thôn hiện nay là về chính sách quản lý của các địa phương còn lúng túng, chưa có hoạch định rõ cho ngành du lịch.
"Quan trọng là các tỉnh thành cần liên kết lại những sản phẩm đặc thù, không phải mang tính cạnh tranh nữa, mà là góp vào chuỗi liên kết để tạo ra nét riêng trong cái chung của vùng. Cần đào tạo nguồn từ các em học sinh từ trên ghế nhà trường, thật sự thấu hiểu về từng mảnh đất của quê hương thì mới quảng bá cho tốt được…", bà Vân nêu.
Tỉnh Bến Tre sẽ là đơn vị đăng cai tổ chức diễn đàn lần thứ III, năm 2024 (diễn đàn được tổ chức 2 năm 1 lần).
Ngoài việc phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm đến sản phẩm du lịch phát triển bền vững, đặc biệt là cách thức liên kết để đưa du lịch toàn vùng cất cánh.