ĐBQH: Xót xa khi người dân phải thức đến 2-3h sáng để đổ vài lít xăng

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 02:28:43

ĐBQH cho rằng, Nhà nước phải có hệ thống phân phối thiết yếu, còn nếu chủ yếu dựa vào tư nhân hoặc những doanh nghiệp nhập khẩu như hiện tại thì sẽ gặp khó.


Nửa đêm đổ xăng vẫn phải xếp hàng

Hình ảnh chờ hàng tiếng đồng hồ giữa trưa nắng hay lúc nửa đêm để đợi đến lượt mua xăng, thậm chí phải dắt bộ hàng cây số để tìm nơi đổ xăng đã trở thành “cú sốc” tâm lý đối với nhiều người dân những ngày qua.

Trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tình trạng bán xăng nhỏ giọt đang có nhiều tác động đến người dân sử dụng các phương tiện giao thông, kể cả công cộng và cá nhân.

“Tôi cảm thấy rất xót xa khi một số cán bộ, người dân phải thức đến tận 2-3h sáng chỉ để có được một vài lít xăng”, ông nói.

“Bởi vậy, trước tình hình như vậy, chúng ta phải xây dựng những cây xăng mang tính chất cơ động, tình thế để làm sao đáp ứng được nhu cầu xăng dầu của người dân”, ông Cừ kiến nghị.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Ảnh: Quochoi.vn).

Để làm được điều này, đại diện của đoàn Hà Nội cho rằng phải chuẩn bị từ sớm, từ xa. Nếu có hiện tượng này xảy ra, cần phải phát huy được những phương án dự phòng với các thiết chế đã xây dựng từ trước để đem vào phục vụ thì mới giải quyết được tình hình hiện nay nhiều cây xăng không bán.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, các phương án này có thể là xây dựng các cây xăng dự phòng, trong đó có cây xăng lưu động của Nhà nước, cũng như hỗ trợ trực tiếp nhằm gỡ khó cho các cây xăng hiện nay đang bị ách tắc, găm hàng.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc bán nhỏ giọt xăng dầu thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hiện nay, không chỉ câu chuyện của riêng Bộ Công Thương mà do công thức tính giá cơ sở xăng dầu không đáp ứng kịp giá thị trường và cơ chế sử dụng Quỹ bình ổn giá mất thời gian, liên quan đến 7 bộ, ngành.

Hơn nữa, hiện nay giá xăng dầu thế giới và chi phí vận chuyển đang biến động làm giá thay đổi và chúng ta siết chặt khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu không còn từ đó giảm nguồn cung trong nước. "Chúng ta cần tìm nguyên nhân nào là chính và xử lý nguyên nhân đó", ông Huân nhấn mạnh.

Do đó, đại biểu cho rằng các bộ, ngành cần bàn bạc tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu xăng dầu sẽ có được giải pháp xử lý căn cơ.


Điều hành xăng dầu theo ngày là tham vọng lớn

Tại cuộc họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu về kỳ điều hành giá xăng dầu có thể rút xuống còn 5 ngày hoặc theo hàng ngày để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.

Với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng cần có sự tính toán cụ thể với các chuyên gia kinh tế.

"Niên độ điều hành giá càng ngắn thì bắt nhịp với thế giới càng nhanh, giá xăng dầu sẽ sát với thị trường quốc tế hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều khâu phân phối từ các đầu mối đến phân phối đến đại lý", đại biểu nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Quochoi.vn).

Ông Huân cũng cho rằng, với chính sách điều hành hiện nay, nếu vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước sẽ không thể bằng với giá xăng quốc tế.

"Mức giá điều chỉnh theo Quỹ bình ổn thì phải có cơ chế vận hành của các bộ, ban ngành. Thời gian điều hành giá cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng của các đơn vị này", ông Huân nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng, việc điều hành giá xăng theo ngày là "tham vọng", khó thực hiện bởi điều hành giá xăng dầu còn phụ thuộc vào quỹ bình ổn, sự điều tiết giá của Nhà nước để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

"Nếu điều hành giá xăng theo ngày, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ chi phối giá các mặt hàng khác trong nước", ông nói.


Hai Phó Thủ tướng sẽ họp bàn điều hành xăng dầu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp bàn về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu vào 17h hôm nay (11/11).

Cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng chủ trì.

Theo đó, cuộc họp dự kiến có sự tham gia của Bộ trưởng các Bộ Công thương, Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách lĩnh vực, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phụ trách lĩnh vực.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Xăng dầu Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam.


Bộ trưởng Công Thương phải xử lý dứt điểm

Liên quan đến câu chuyện giá xăng dầu, trong ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra sau khi Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, các Phó thủ tướng tình hình thông tin, báo chí, dư luận xã hội liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về điều chỉnh giá xăng dầu và việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.

Theo báo cáo, sau 3 lần điều chỉnh, giá xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt đi lên trong kỳ điều hành ngày 1/11; giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 22.750 đồng/lít. Tuy nhiên, đến tối 1/11, nhiều cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội vẫn "hết hàng" hoặc bán nhỏ giọt.


Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, báo cáo cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm.


Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dù kêu lỗ nặng trong 9 tháng đầu năm nay nhưng vẫn được Bộ Công Thương phân giao sản lượng nhập khẩu nhiều nhất với 2.145.000 m3/tấn .

Chia sẻ Facebook