ĐBQH: Sửa Luật Đất đai có giảm được đầu cơ, bong bóng bất động sản?
Nêu rất nhiều băn khoăn, trong đó đại biểu đoàn Cà Mau đặt câu hỏi liệu việc sửa đổi Luật có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai hay không?
Có làm tăng nguy cơ khiếu kiện?
Tham gia góp ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 7/4, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau ) bày tỏ băn khoăn, hiện nay khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội chiếm đến 70%, vậy sau khi sửa Luật lần này, Ban soạn thảo đánh giá có thể giảm được tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai ở mức nào?
Đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng, một số quy định hiện tại của dự thảo Luật có thể gây ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực thi sẽ rất khác nhau và tăng nguy cơ khiếu kiện.
Ví dụ như quy định về phân loại đất và quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều 10 của dự thảo Luật phân ra rất nhiều loại đất nhưng, Điều 117 chỉ có một số ít phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Ngoài ra, đại biểu nêu rõ, hiện nay ở nước ta đang có khoảng 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể các ngôi nhà đã bán nhưng không có người ở. Đại biểu đặt câu hỏi “Liệu việc sửa Luật lần này có giảm được tình đầu cơ bất động sản, bong bóng bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không?”.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh nêu ý kiến tại Hội nghị.
Từ đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá cụ thể về vấn đề này nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn liệu việc sửa đổi Luật lần này có tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để mở các công xưởng, nhà máy nhằm tận dụng được cơ hội, phát triển kinh doanh hay không?
Phát biểu ý kiến, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) góp ý vào nội dung điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án bất động sản được quy định tại Điều 46.
Dự thảo lần này mặc dù đã có chỉnh sửa, đại biểu cho rằng, quy định như vậy chưa phù hợp với Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Do đó, đề nghị xem xét, điều chỉnh để phù hợp với 2 luật trên.
Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thể hiện tại Điều 69 của dự thảo Luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận thấy, chỉ tiêu sử dụng đất của các dự án, khu vực chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân đã được xác định trong quy hoạch, mở rộng quy mô, địa điểm hoặc nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài quy hoạch chắc chắn sẽ làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng.
Do vậy đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, cần tiếp tục nghiên cứu.
Bổ sung quy định liên quan đến môi trường
Đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với dự thảo xin ý kiến nhân dân...
Cho ý kiến về vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong dự thảo Luật có 22 Điều, khoản quy định nội dung liên quan đến môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải bổ sung thêm quy định liên quan đến môi trường cho một số nội dung quan trọng sau.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu ý kiến.
Theo đó, tại các Điều 174, 175, 176 và 178, ông đề nghị rà soát, xem xét lại quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong các trường hợp sử dụng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để ngăn chặn việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học làm ô nhiễm, suy thoái đất trong thời gian qua.
Đối với đất chưa sử dụng, đề nghị cần có thêm quy định duy trì bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên nhằm bảo đảm chất lượng đất không bị suy giảm.
Bên cạnh đó, đối với quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, ông chỉ ra rằng, dự thảo Luật chưa có quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường.
Do đó, đề nghị rà soát, bổ sung quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về môi trường nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay.
Về quan hệ giữa giá đất và chất lượng môi trường, ông Nguyễn Tuấn Anh nhận thấy, giá đất chịu sự phân phối rất lớn về chất lượng môi trường. Quan hệ này có thể được hiểu, nếu chất lượng môi trường tốt thì giá đất cao và ngược lại.
Trên cơ sở đó, ông đề nghị nghiên cứu quy định nội dung này trong điểm d, khoản 2, Điều 154 của dự thảo Luật .