ĐBQH Nguyễn Như So: Siết tín dụng bất động sản chính là con dao 2 lưỡi

Chia sẻ Facebook
25/05/2022 16:51:15

Siết chặt nguồn tín dụng vào BĐS khi thị trường tăng trưởng nóng cùng với bất ổn trong huy động trái phiếu DN lĩnh vực này, ông So cho đó chính là con dao 2 lưỡi.


Cần chính sách hợp lý cho thị trường BĐS

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội đánh giá Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, sáng 25/5, ĐBQH Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh việc cần phải xem xét, đánh giá lại hiệu quả của chính sách điều hành tiền tệ mà Chính phủ đã ban hành thời gian qua.

Ông đặt dấu hỏi lớn về việc những chính sách ban hành có thực sự giải quyết được rủi ro và vấn đề nợ xấu hay không?

Trước những diễn biến tăng trưởng nóng của bất động sản cũng như huy động trái phiếu trong lĩnh vực này, Chính phủ đã có tác động mạnh mẽ, kiểm soát nguồn tín dụng và bất động sản.

Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, Chính phủ cần nắn lại dòng vốn vào BĐS, có chính sách hợp lý hơn.

Trong lĩnh vực bất động sản với chủ đầu tư thì việc sử dụng đòn bẩy tài chính luôn là một công cụ hữu hiệu để triển khai một dự án. Nếu siết chặt tín dụng thì chủ đầu tư sẽ không có cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn vay, để triển khai dự án, dẫn đến các dự án sẽ bị đình trệ và đặc biệt ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản trên thị trường.

Về phía người tiêu dùng cuối cùng, siết chặt tín dụng bất động sản sẽ cắt đứt nguồn cung - cầu trên thị trường, hệ lụy là thị trường sẽ bị đóng băng và việc đóng băng đấy sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.

“Siết chặt tín dụng với BĐS chính là con dao 2 lưỡi”, ông So nhấn mạnh và nhắc đến bài học của Trung Quốc.


“Khi Trung Quốc siết chặt tín dụng với bất động sản thì nền kinh tế của quốc gia này chịu ảnh hưởng và hiện Trung Quốc đã ngấm đòn bởi chính sách này. Do đó, Trung Quốc cũng đang thực hiện việc nới lỏng lại tín dụng đối với bất động sản”, ông So lấy dẫn chứng.


Vị đại biểu này cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải rà soát lại để có chính sách hợp lý, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển, đồng thời nắn dòng vốn, giúp lành mạnh hoá thị trường và hạn chế rủi ro tương lai.


Gói phục hồi kinh tế triển khai ì ạch


Cũng thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang ) nhắc nhiều về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.


Đây là một vấn đề mà chúng ta đã nói quá nhiều vào các kì họp trước, nhưng đến giờ phút này các giải pháp đưa ra để làm sao để cho dòng vốn đầu tư công đem lại hiệu quả thì tôi cũng chưa thấy có sự chuyển biến tích cực. Báo cáo kì nào cũng đưa ra là giải ngân vốn đầu tư công chậm, giải pháp cũng đưa ra đó nhưng để có sự đột phá thì chưa”, bà Kim Bé nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang).

Theo phân tích của nữ đại biểu này, do thời điểm Quốc hội bấm nút thông qua thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để phân bổ vốn cho ngay các địa phương. Tức là triển khai ngay khi đó thì mới kịp, còn sau vài tháng mới triển khai thì chắc chắn không đáp ứng được thời gian được giao.

“Chính phủ phải tăng cường, đốc thúc, sát sao chỉ đạo để phân bổ cho kịp thời nhanh chóng chứ không thể để chậm mãi như vậy được”, đại biểu Kim Bé nói.

Nói thêm về nguyên nhân đặc thù khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, là do trong các thủ tục triển khai từng dự án còn quá nhiều vấn đề rắc rối, thủ tục rườm rà. Do đó, Chính phủ cần khắc phục những thủ tục không cần thiết.

Tương tự, gói phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng ì ạch trong việc triển khai khi đến thời điểm này, đã đi qua 5 tháng của năm 2022.

“Các địa phương cũng rất tâm tư, lo lắng vấn đề này. Thủ tục từ trên đến các cơ sở đang còn gặp quá nhiều khó khăn. Thời gian kết thúc gói này là hết năm 2023, liệu chúng ta có xử lý dứt điểm được hay không khi còn quá nhiều nội dung chưa triển khai?”, nữ đại biểu bày tỏ tâm tư.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh).

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cũng chỉ ra việc các nội dung trong chương trình phục hồi kinh tế chưa được thực thi, đi ngược với kì vọng triển khai sớm của các đại biểu quốc hội.

Bà Kim Anh nhắc đến Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mà trong đó 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, Internet, trích sử dụng 1.000 tỷ đồng để mua máy tính bảng thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng chưa thấy triển khai.


“Đáng nói, chương trình Sóng và máy tính cho em được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 khi các em học sinh học online tại nhà. Nhưng thời điểm này, các em đã quay trở lại trường học và cũng gần kết thúc năm học, nhưng chúng ta vẫn loay hoay để triển khai. Thực sự độ trễ quá lớn và cũng không còn phù hợp nữa”, bà Kim Anh nói và yêu cầu Chính phủ cần phải giải trình rõ về nội dung này .

Chia sẻ Facebook