ĐBQH: ‘Dày dạn công tác mấy chục năm rồi đứng trước vành móng ngựa thì phải xem lại’
“hàng ngàn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại nhưng không nguy hại, tác hại lớn bằng vụ Việt Á, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao”.
Theo ông Nghĩa, trong lúc khó khăn, khủng hoảng, khi tính mạng, cuộc sống của hàng triệu người bị đe dọa, đảo lộn do dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), đã có rất nhiều người bất chấp nguy hiểm tính mạng để cứu dân, giúp dân như các công chức, viên chức trong ngành y… Nhưng ngược lại, một nhóm công chức cao cấp lại câu kết với nhau có hệ thống để trục lợi.
“Về tính chất, tác hại của tội phạm thì hàng ngàn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại nhưng không nguy hiểm, nguy hại, tác hại lớn bằng vụ Việt Á, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao.” – ông Nghĩa nói.
Theo đó, ông Nghĩa nhận định phải có đánh giá nguyên nhân sâu xa của tham nhũng, đề xuất các chính sách công tác cán bộ.
“Những người dày dạn công tác mấy chục năm đưa lên vị trí rất cao rồi lại phải đứng trước vành móng ngựa thì công tác cán bộ phải xem xét lại”, ông Nghĩa nhận định.
Tội phạm cấp cao từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… đến tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân
Trình bày các ý kiến thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho hay theo kết quả của PAPI 2021 nêu, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công, người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% – 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Tình trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy “sổ đỏ” còn phổ biến.
Có trường hợp thanh tra tại địa phương không phát hiện vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra kiểm tra thì thấy có. Như vụ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bến Tre để xảy ra sai phạm trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19, gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.
Nhiều hành vi tham nhũng trước đây rất ít bị bị phát hiện như nhận hối lộ, đưa hối lộ… nay bị khám phá, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.
Ông Cường dẫn chứng vụ ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố vì liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á…
Năm 2022, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người.
Năm 2022, nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho hành vi phạm tội.
Điển hình như vụ án xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) (bảo kê cho chủ doanh nghiệp nhập lậu hơn 198 triệu lít xăng từ Singapore); vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra ở Tập đoàn FLC; vụ án xảy ra ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Ngoài ra là tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
Sơn Nguyên