Dạy trẻ bền chí để thành công trong học tập và công việc

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 15:05:14

Nói về ý chí, người xưa có nhiều câu thành ngữ như: “Sóng cả không ngã tay chèo”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Còn nước, còn tát”… Làm người xưa nay quý ở chỗ có ý chí bền bỉ. Đời người chỉ có mấy chục năm ngắn ngủi, nhưng riêng việc dùi mài kinh sử, học tập tri thức đã mất gần 20 năm, cho nên ai mà không bền chí thì không thể đến đích. Vì thế trong ca dao có câu:


Ai ơi giữ chí cho bền,
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.


Con người thường có tâm lý hiển thị và thể hiện mình rất mạnh, không ngại gì khi thể hiện sức mạnh của mình, nhưng cái thiếu hụt lại là ý chí. Nhà văn Pháp Victor Hugo có câu rằng: “Cái người đời thường thiếu là ý chí chứ không phải là sức mạnh”.


Shala Andis, tác giả của cuốn sách “Ba chiếc chìa khóa vàng của người mẹ Do Thái dành cho con” , đã kể một cuộc nghiên cứu như sau: Cho một nhóm các em học sinh tiểu học mỗi em một chiếc kẹo bông gòn và nói với các bé có thể ăn bất cứ lúc nào, nhưng nếu kiên trì đợi đến khi tan học về nhà mới ăn thì sẽ được phát thêm một chiếc kẹo nữa làm phần thưởng. Kết quả là có một số trẻ không nhịn được nên đã ăn luôn, số khác thì nhẫn nhịn vượt qua được cám dỗ. Cuộc thí nghiệm tiếp tục dõi theo các bé cho đến khi tốt nghiệp đại học thì nhận thấy rằng những trẻ biết kiềm chế có thành tích học tập ưu tú hơn và có tỷ lệ tìm được công việc như ý sau khi tốt nghiệp cao hơn.

Bởi thế, việc dạy trẻ có ý chí bền bỉ là vô cùng cần thiết.

(Ảnh: Rawpixel.com, Shutterstock)

Còn nhớ năm 2013, dư luận Việt Nam từng hướng sự quan tâm đến trường hợp 2 anh em sinh đôi là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền cùng đỗ thủ khoa 2 trường đại học danh tiếng là ĐH Y Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Điều đặc biệt khiến mọi người phải cảm phục là người cha đứng đằng sau 2 anh em, ông Nguyễn Hữu Định. Suốt 10 năm liền ông Định phải sống trong ống cống nuôi 4 người con ăn học, hai anh em thủ khoa cũng phải vừa bươn chải vừa học với ý chí bền bỉ không ngừng.

Để tiết kiệm tiền thuê, ông Định đã quyết dịnh chọn ống cống làm nhà. Nơi ở của mấy bố con là ống cống rộng 1,2m2 giữa một bãi đất trống, phía trong chỉ có gạch kê làm nơi ngả lưng cùng vài bộ quần áo. Ông Định làm bất kể việc gì miễn kiếm được tiền nuôi con, nhưng sau này vì sức khỏe yếu dần ông chỉ sửa xe và chạy xe ôm.

Thấy bố vất vả, cả 4 người con của ông đều quyết tâm học tập, quyết chí thành tài. Con gái đầu là sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, con gái thứ hai đang học Cao đẳng Giao thông vận tải, hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền cùng đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Trong cuộc sống, nhiều khi ông Định chỉ ăn một gói mỳ tôm qua bữa. Dù hai cô con gái nhiều lần đòi thuê phòng trọ cho bố nhưng ông đều gạt đi, để con mình ở ký túc xá còn bản thân vẫn sống nơi ống cống, quyết tâm nuôi con ăn học thành tài.

Sau này câu chuyện người cha ở ống cống nuôi con đỗ thủ khoa được nhiều người hảo tâm biết, gia đình ông Định chuyển về sống trong một căn phòng trọ miễn phí trên phố. Hai anh em Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền đều làm gia sư để có thêm tiền chu cấp cho gia đình. Buổi sáng hai anh em ăn cơm nguội với muối vừng ở nhà, trưa thì ăn cơm ở trường, buổi chiều nhịn ăn làm gia sư đến 10 giờ thì về nhà ăn cơm. Nếu không có ý chí bền bỉ và kiên cường, hai anh em đã không thể đi trọn con đường học tập.


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng nói: “Đôi khi, việc thất bại trong một trận đấu nhỏ sẽ giúp bạn tìm ra cách để thắng cả một trận chiến lớn” . Bản thân ông Trump kỳ thực cũng từng là người luôn thất bại dù trải qua nhiều lĩnh vực kinh doanh từ hàng không, rượu bia, ẩm thực, giáo dục, giải trí, báo chí, internet cho đến bất động sản. Ông đã 4 lần phải tuyên bố phá sản và bị ngập trong món nợ hàng tỷ đô la. Tuy nhiên cuối cùng ông lại trở thành một tỷ phú và một vị Tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ, dù cũng bị không ít người ghét bỏ.


Gia Cát Lượng, vị quân sư kiệt xuất thời Tam Quốc cũng để lại một câu nói nổi tiếng: “Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị” , việc lớn bắt đầu thì khó, việc nhỏ bắt đầu thì dễ. Câu nói “vạn sự khởi đầu nan” mà chúng ta hay dùng ngày nay chính là bắt nguồn từ câu nói của Gia Cát Lượng.


Gia Cát Lượng để lại “Giới tử thư” , giáo huấn con trai, đồng thời cũng là lời nhắc nhở cho hậu thế:

“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học. Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học. Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính. Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời. Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn.”

Bản dịch của dịch giả Nam Phương


Sống trong xã hiện hiện nay, con người rất dễ bị cám dỗ, chạy theo những trào lưu, biến động ngoài xã hội. Nếu muốn chú tâm học hành, không bị cuốn theo các biến động ngoài xã hội, thì cần nhớ được lời dạy của cổ nhân: “Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi” . Ước chế dục vọng, giữ gìn nội tâm tĩnh lặng, không bị cuốn theo dòng chảy thị phi, như thế mới có thể bền chí theo đuổi chí hướng cao xa, theo đuổi những mục tiêu cao cả và tốt đẹp.


“Ngọc bất trác bất thành khí” , tài năng của một người dẫu là do thiên chất bẩm sinh, thì muốn tỏa sáng thường thường đều phải nhờ trui rèn mài giũa. Trong lịch sử không thiếu người tư chất kém mà vang danh thiên cổ, cũng không thiếu người có tài năng thiên bẩm mà không chịu ước thúc bản thân, cuối cùng điều lưu lại chỉ là tiếng xấu ngàn đời. Người đi học không phải là học trí thức khô khan cho nhiều, mà cần phải học trong đời sống thường nhật, thông qua trăm rèn ngàn luyện, lại phải bền bỉ thông qua vô vàn khó khăn, cuối cùng lắng đọng lại mới có được thành tựu đáng quý.


Trần Hưng

Phương pháp dạy con thành người tài đức của mẹ Khổng Tử


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook