Dậy sớm trước 7h sáng kèm thêm 1 điều kiện này, cơ thể đạt lợi ích “có tiền cũng không mua được”
"Con chim nào dậy sớm thì mới bắt được sâu" đã được các nhà khoa học chứng minh không phải câu nói sáo rỗng. Tuy vậy, bạn cần dậy sớm trước 7h sáng mỗi ngày kèm theo điều kiện này để đạt được ích lợi trông thấy.
Dậy sớm đi kèm với điều kiện này giúp cơ thể nhận nhiều lợi ích
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Đại học Pittsburgh: Thức dậy sớm đồng thời duy trì hoạt động suốt cả ngày là điều kiện để bạn có thể cải thiện tinh thần sức khỏe và năng suất tổng thể của bạn, đặc biệt là đối với người lớn tuổi.
"Hoạt động" ở đây bao gồm kích thích thể chất, tinh thần, có thể đơn giản là chạy việc vặt, đi dạo, chơi với gia đình và dành thời gian cho bạn bè.
Tác giả chính của nghiên cứu này là Tiến sĩ Stephen Smagula, trợ lý giáo sư về tâm thần học và dịch tễ học tại Đại học Pittsburgh. Ông đã đưa ra nhận định: "Điều thú vị về những phát hiện này là các mô hình hoạt động được kiểm soát tự nguyện, có nghĩa là mọi người thực hiện các thay đổi thói quen hàng ngày có chủ đích để cải thiện sức khỏe và thể chất."
Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu 1.800 người lớn trên 65 tuổi trong một tuần, theo dõi chuyển động của họ bằng đồng hồ thể dục và phân tích bảng câu hỏi liên quan đến nhận thức của họ. Kết quả cho thấy rằng: Gần 38% người tham gia thức dậy sớm và liên tục hoạt động.
Tiến sĩ Smagula cho biết: "Nhiều người lớn tuổi có ý thức kỷ luật rất mạnh mẽ: Trung bình họ dậy trước 7 giờ sáng và không ngừng hoạt động cơ thể. Nhờ thế, họ có tinh thần hạnh phúc hơn, ít trầm cảm hơn và có chức năng nhận thức tốt hơn những người tham gia khác."
Trong khi đó, 32,6% số người tham gia nghiên cứu duy trì thói quen sống đều đặn, nhưng họ chỉ hoạt động trong 13,4 giờ mỗi ngày do thức dậy muộn hơn vào buổi sáng hoặc giảm hoạt động vào buổi tối.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, điều này khiến họ có nhiều triệu chứng trầm cảm và kiểm tra nhận thức kém hơn so với những người dậy sớm trước 7h sáng.
29,8% tình nguyện viên còn lại không có các thói quen hàng ngày nhất quán, khiến sức khỏe tâm thần và kiểm tra nhận thức giảm hơn nữa.
Theo Smagula, những phát hiện trong nghiên cứu cho thấy sự gián đoạn trong mô hình sinh hoạt là rất phổ biến và có liên quan đến các vấn đề sức khỏe. Mối quan hệ này là hai chiều, vì vậy, chỉ cần có sự khôi phục các mô hình sinh hoạt tích cực, bạn có thể cải thiện sức khỏe.
Thực tế cho thấy, những người lớn tuổi hoặc suy giảm trí nhớ có thói quen ngủ nghỉ thất thường và ít có xu hướng giao tiếp xã hội. Trong khi đó, thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn và giữ cho cơ thể và tâm trí hoạt động trong ngày là những thói quen lành mạnh.
Chia sẻ với Inc, tác giả Jonathan Alpert, nhà trị liệu tâm lý và là tác giả của "Đừng sợ hãi: Thay đổi cuộc sống của bạn trong 28 ngày", đã nói: “Cách khởi đầu ngày mới tích cực sẽ giúp chúng ta hoạt động tốt trong suốt cả ngày và hoàn thành những gì bản thân cần và muốn.
7 điều giúp buổi sáng của bạn tuyệt vời hơn
Jonathan Alpert đã gợi ý mọi người nên thêm 7 điều sau đây vào thói quen buổi sáng của mình và thực hiện một cách đều đặn để thấy lợi ích nó đem lại.
1. Dậy sớm, đây là điều đương nhiên.
2. Chuẩn bị trang phục chỉn chu.
3. Uống nước: Đó là một hành động đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng với cơ thể. Nếu bạn đi ngủ vào lúc nửa đêm và thức dậy lúc 7 giờ sáng, như vậy ít nhất bảy tiếng đã trôi qua mà cơ thể không được cung cấp nước.
Việc uống nước vào buổi sáng khuyến khích quá trình tạo máu, giúp cân bằng hệ thống bạch huyết, chống lại nhiễm trùng, thúc đẩy trao đổi chất, đồng thời thanh lọc cơ thể.
4. Tập thể dục: Điều này có thể giúp endorphin lưu thông, giúp bạn tràn đầy năng lượng.
5. Hình dung và lập kế hoạch trong ngày của bạn: Mỗi sáng, bạn nên dành ra 2 đến 5 phút xem lại những gì mình cần hoàn thành trong ngày. Với những nhiệm vụ khó khăn hơn, hãy hình dung quá trình thực hiện từ A - Z. Quá trình này giúp những người có xu hướng trì hoãn tạo ra động lực và bị thôi thúc để đạt được kết quả.
6. Lắng nghe bản thân: Hãy trở thành chuyên gia tư vấn của chính mình. Bạn có thể nói gì với bản thân để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày mới? Bạn có suy nghĩ cảm hứng nào muốn thực hiện? Hay bạn đang phải đối mặt với sự sợ hãi và lo lắng nào? Hãy nhớ rằng, tất cả bất an đều bắt đầu khi bạn chưa hiểu thấu đáo và luôn nghĩ về những gì mình có thể, chứ không phải là không thể.
7. Hãy linh hoạt: Ngay cả những kế hoạch đã được sắp đặt chi tiết nhất cũng có thể thay đổi, vì vậy cách tốt nhất để xử lý điều này là phải linh hoạt, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý.
*Theo Yahoo News, Inc