Dậy sớm thể dục hay ngủ thêm tốt hơn? Chuyên gia chỉ ra câu trả lời NGƯỢC LẠI những gì bạn nghĩ: Nếu không thích, đừng cố!
Tập thể dục hay ngủ đủ giấc đều đóng vai trò quan trọng với sức khỏe. Nhiều người đều có chung thắc mắc không biết nên dậy sớm để tập thể dục hay dành thời gian ngủ thêm thì tốt hơn. Chuyên gia sức khỏe Mỹ Stephanie Mansour đã đưa ra câu trả lời khác hẳn những gì bạn từng nghĩ.
Dậy sớm thể dục hay ngủ thêm tốt hơn?
“Một khách hàng mới của tôi nói rằng, cô ấy buộc mình phải thức dậy lúc 5 giờ sáng để tập luyện với mong muốn giảm được 10kg. Nhưng chỉ sau một thời gian, mọi nỗ lực đều chẳng đem lại kết quả gì ngoại trừ sự kiệt sức. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu suất làm việc của cô”, Stephanie Mansour chia sẻ.
Là một chuyên gia sức khỏe kiêm huấn luyện viên giảm cân của Mỹ, Stephanie Mansour khẳng định rằng: "Hãy bắt đầu ngày mới với một thói quen lành mạnh, nhưng bạn cần nhớ rằng, bạn có rất nhiều thói quen lành mạnh có thể lựa chọn cho mình, miễn là phù hợp. Chẳng hạn như ăn bữa sáng bổ dưỡng, hít thở không khí trong lành, hoặc vận động rèn luyện".
Vị chuyên gia cho biết, cần phải xây dựng thói quen tập thể dục sao cho phù hợp với toàn bộ con người, thói quen, lối sống, cuộc sống công việc và các cam kết xã hội. Nếu việc vận động gây ảnh hưởng tới đời sống, vậy tức là bạn cần điều chỉnh lại.
Giấc ngủ cũng là một phần trong đó. Không nên hi sinh giấc ngủ chỉ để tập thể dục vì chúng ta biết rằng cả giấc ngủ và tập thể dục đều quan trọng như thế nào đối với mức năng lượng, thể chất và sức khỏe tổng thể.
Dậy sớm vào buổi sáng để tập thể dục sẽ giúp bạn bắt đầu một ngày mới đầy hiệu quả. Điều này cũng giúp loại trừ khả năng bạn phải đối mặt với quá nhiều việc phát sinh trong ngày, bận rộn tới mức không còn thời gian để tập luyện.
Thêm vào đó, nó có thể thúc đẩy năng lượng của bạn và khiến bạn có tâm trạng tốt hơn cho ngày mới.
“Vì vậy, nếu bạn đã có một giấc ngủ đủ và chất lượng, việc xây dựng thói quen dậy sớm để tập thể dục buổi sáng có thể là một mục tiêu tuyệt vời”, Stephanie Mansour cho biết. “Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi khuyên tất cả mọi người phải đặt việc dậy sớm tập thể dục lên ưu tiên hàng đầu.”
Chuyên gia khẳng định rằng, nếu bạn không phải là người thích buổi sáng và cũng là người mới bắt đầu xây dựng thói quen tập thể dục, vậy thì không nên ép mình phải dậy sớm để tập thể dục.
Trong trường hợp này, bạn đang tự thúc đẩy bản thân phải vượt qua hai rào cản cùng một lúc: Thứ nhất là dậy sớm, thứ hai là tập thể dục.
Stephanie Mansour khuyến khích mọi người chỉ nên tập trung vượt qua từng rào cản một. Trong trường hợp này, hãy bắt đầu với việc tạo thói quen tập thể dục trước hết. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu bằng cách tập các bài tập thể dục ngắn sau giờ làm, đi dạo sau bữa tối hoặc dành thời gian vào cuối tuần để đạp xe, chạy bộ...
Khi bạn đã biến tập thể dục trở thành một thói quen của mình, lúc đó, bạn có thể tiếp tục thử xây dựng thêm thói quen dậy sớm.
Thiếu ngủ? Hãy tập trung ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng đồng hồ
Ngủ đủ giấc đóng một vai trò rất lớn đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta. Không ngủ đủ có thể ảnh hưởng tới thể trạng và cân nặng, khiến bạn có kiểm soát tình trạng sức khỏe hơn.
Thiếu ngủ cũng ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của chúng ta, tăng cảm giác thèm ăn những món có đường để thúc đẩy trí não hoạt động hiệu quả hơn. Thêm vào đó, các bài tập cũng sẽ giảm hiệu quả, thậm chí có thể gây chấn thương nếu bạn đang buồn ngủ.
Vì thế, nếu phải cắt giảm giấc ngủ chỉ để dậy sớm tập thể dục thì sẽ đem tới những tai hại cho sức khỏe. Nếu bạn không ngủ đủ 7 - 8 tiếng vào ban đêm, hãy ưu tiên điều đó trước.
Nên ưu tiên ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày để cơ thể có thể phục hồi từ bên trong. Ảnh: news.yahoo
Căng thẳng? Bỏ qua buổi tập thể dục buổi sáng
Nhiều phụ nữ có sự nghiệp, vừa bận rộn với cuộc sống gia đình, vừa gồng gánh áp lực công việc. Tình trạng căng thẳng mãn tính này khiến nồng độ cortisol tăng cao, thường khiến họ khó kiểm soát cân nặng. Đồng thời, họ cũng khó có thể đi ngủ sớm.
Chuyên gia cho rằng, để giúp đỡ giảm cortisol, cơ thể cần được ưu tiên nghỉ ngơi. Vì vậy, hãy dành ra tối thiểu 7 giờ cho giấc ngủ sâu, không bị gián đoạn.
Đúng là thể dục sẽ giúp làm giảm căng thẳng nhưng việc ép bản thân tỉnh dậy trong quá trình cơ thể đang tự phục hồi có thể khiến bạn tự tạo thêm áp lực cho bản thân.
Thay vào đó, chuyên gia khuyến khích họ nên thay đổi giờ tập luyện sang một thời điểm khác trong ngày mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Họ có thể chọn các hình thức tập thể dục nhẹ nhàng, thư giãn và tốn ít thời gian như đi dạo, yoga và giãn cơ. Đây cũng là những cách tuyệt vời để thư giãn trước khi đi ngủ.
Điểm mấu chốt: Ưu tiên giấc ngủ và cố gắng vận động ở những nơi bạn có thể.
Bạn cũng nên cho phép bản thân ưu tiên cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình trước, sau đó mới tập thể dục. Xét cho cùng, tập thể dục là một cách giúp bạn ngủ ngon hơn, vì vậy nó sẽ hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu ngủ đủ chất lượng.
*Theo Yahoo!News
Theo Phương Thuý
Trí Thức Trẻ