Dậy muộn, cả ngày mệt mỏi vì thói quen cày phim thâu đêm

Chia sẻ Facebook
26/07/2023 01:12:35

Lúc xem phim thì vô cùng tỉnh táo, hạnh phúc nhưng cái giá phải trả cho những đêm thức khuya là tinh thần uể oải, mệt mỏi, hiệu suất học tập hay công việc đều bị ảnh hưởng.


" Xem nốt tập này rồi ngủ ", " Cuốn quá, phải hóng tiếp xem diễn biến thế nào mới được "... là những suy nghĩ thường trực trong đầu của các "mọt phim". Ban ngày mải học tập, làm việc, bận bịu với các mối quan hệ nên buổi tối muộn là thời điểm thích hợp nhất để có thể tập trung xem phim mà không sợ bị ai làm phiền. Song, cũng vì vậy mà nhiều người, đặc biệt là giới trẻ bị cuốn theo nhịp phim không thể thoát ra được, xem liền tù tì nhiều tập đến tận 2, 3 giờ sáng hôm sau.

Thức khuya xem phim là thói quen của nhiều người trẻ.


Giải trí “bù” để xả stress


Chia sẻ với YAN , Khánh Hà (sinh năm 2002) cho hay việc xem phim mỗi tối là cách cô tự thưởng cho mình khoảng thời gian thư giãn sau ngày dài. " Mình vừa đi học, vừa đi làm tất bật cả ngày nên hầu như không có lúc nào rảnh, về đến nhà thì cũng đã tối muộn, xong xuôi mọi việc cũng tầm nửa đêm. Sau đó mình tắm rửa sạch sẽ và lên giường ngả lưng, cảm giác đó là tuyệt nhất. Ở trạng thái thoải mái như vậy thì còn gì sướng hơn là nằm xem phim mà không sợ ai làm phiền? ", 10X cho hay.

Thực tế, dù đã trải qua một ngày dài mệt mỏi nhưng nhiều bạn trẻ vẫn sẵn sàng thức đêm để giải trí thay vì lựa chọn đi ngủ sớm. "Cả ngày stress rồi, phải tự thưởng bản thân bằng những tập phim hay chứ" - Khánh Hà nói.

Nằm dài trên giường "cày" phim, lướt mạng xã hội là trạng thái yêu thích của giới trẻ.


Anh Thơ (sinh năm 1998) - thành viên của Cột sống Gen Z cũng là một "mọt phim" chính hiệu, sẵn sàng giành ra vài giờ nghỉ ngơi quý báu để "cày" phim. Thơ tâm sự: " Càng lớn mình càng coi việc hòa mình vào những bộ phim là cách để 'chạy trốn' hiện tại. Ngày nào mở mắt ra cũng KPI, deadline đã đủ căng thẳng rồi nên mình muốn trước khi nhắm mắt đi ngủ được thoải mái, bớt phải lo nghĩ ".

Cả ngày làm việc stress nên thức khuya xem phim là cách giúp nhiều người "trốn" thực tại.


Mệt mỏi, thiếu ngủ cả ngày hôm sau

Thức càng muộn thì thời gian nghỉ ngơi càng bị rút ngắn, vậy nên việc các "cú đêm" ngày hôm sau tỉnh dậy với tinh thần uể oải, mệt mỏi là không thể tránh khỏi. Cũng chỉ vì "xem nốt một tập" mà khi đi đặt điện thoại xuống cũng đã 2, 3 giờ sáng, đồng nghĩa với việc chỉ ngủ được khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ - quá ít so với một giấc ngủ tiêu chuẩn để đảm bảo thể chất và tinh thần khỏe mạnh.

Trung bình mỗi người cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.


Như Anh Thơ thừa nhận: “ Đến nửa đêm là quá giấc, mình lại xem đến khi nào mệt mới nghỉ. Cả sáng hôm sau người như mất sức, không muốn dậy, cũng vì giờ giấc sinh hoạt bất thường nên mình còn bị đau dạ dày, da mặt sạm đi dưỡng mãi không khá được. Nhưng nếu không dành thời gian để xem phim thư giãn thì mình cũng không thể ngủ sớm vì đã quen với giờ giấc đó rồi ”.


Còn Khánh Hà cũng gặp phải trường hợp tương tự. “ Tối ngủ ít, sáng hôm sau lên lớp mình cứ gật gà gật gù cả buổi thôi, đến tầm trưa mới tỉnh táo được” , Hà nói.

Thiếu ngủ khiến tinh thần mệt mỏi.


Yêu bản thân đúng cách

Theo trang Sleep Foundation, việc con người hi sinh giấc ngủ để giải trí do thiếu thốn quỹ thời gian rảnh rỗi trong ngày được gọi là Revenge Bedtime Procrastination (tạm dịch là Trì hoãn giấc ngủ để trả thù). Giống Anh Thơ và Khánh Hà coi việc xem phim vào nửa đêm là để giải trí “bù”, hành động này được giải thích là ban ngày cuộc sống khiến họ mệt mỏi, stress nên mới dành thời gian ngủ để làm điều mình thích, và hậu quả là hôm sau tỉnh dậy với cơ thể uể oải nhưng vẫn phải tiếp tục làm việc, học tập, và thế là họ tiếp tục “trả thù”. Vòng lặp này cứ quay vòng không hồi kết.

Dù mệt vẫn ráng thức để giải trí "bù".

Biết là hại nhưng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ vẫn cố chấp thức khuya với tâm lý cho rằng mình còn trẻ nên còn khỏe, không sợ bệnh tật. Thế nhưng hậu quả của thói quen này rất nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở đau dạ dày, lên mụn, người thường xuyên thức khuya còn có nguy cơ mắc những bệnh bị ung thư hoặc thậm chí là đột quỵ.

Đau dạ dày là biểu hiện thường thấy của những người quen thức khuya.

Chúng ta thừa hiểu tác hại của việc thức khuya mà vẫn ngó lơ, nhưng bây giờ bắt đầu học cách ngủ sớm vẫn chưa muộn. Nghĩ đến sức khỏe và hiệu suất công việc của ngày hôm sau mà quyết tâm chống lại sự cám dỗ của màn đêm, ngủ sớm hơn để dậy sớm hơn, tinh thần cũng thoải mái, tràn đầy năng lượng hơn.

Hãy sống lành mạnh, yêu bản thân đúng cách.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dành thời gian tập thể dục thể thao, tiêu hao năng lượng để cơ thể thấy mệt và có nhu cầu nghỉ ngơi, khi ấy sẽ dễ ngủ hơn. Đọc sách, nghe nhạc và tránh xa với các thiết bị điện tử khi lên giường cũng là cách để ru ngủ chính mình. Yêu bản thân không phải là chiều chuộng những thói quen xấu với lý do để xả stress, mà là bảo vệ chính mình khỏi bệnh tật bằng việc đi ngủ đúng giờ. Hãy yêu bản thân đúng cách nhé!

Việc thức khuya "cày" phim là thói quen không tốt đối với giới trẻ hay với bất cứ ai vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày. Cụ thể:

1. Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Việc thiếu ngủ liên tục có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm lý và thể chất như mệt mỏi, giảm tập trung, stress, ảnh hưởng đến hiệu suất học tập hoặc công việc.

2. Ảnh hưởng tâm lý: Thức khuya xem phim có thể gây ra cảm giác cô đơn hoặc bị cách ly xã hội.

3. Lãng phí thời gian: Mất nhiều giờ để xem phim nhưng lại không nhận được nhiều giá trị gì, đó chính là lãng phí thời gian. Trong khi bạn có thể dành lượng thời gian đó để nghỉ ngơi, học tập, thể dục thể thao cải thiện tri thức và nâng cao sức khỏe.

4. Ảnh hưởng sức khỏe: Thức khuya để xem phim thường đi kèm với việc ngồi hoặc nằm lâu, ít vận động và thậm chí là ăn đêm. Điều này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như béo phì hay các vấn đề về cơ xương khác.

Tuy nhiên, xem phim không phải lúc nào cũng là thói quen xấu. Việc giải trí thông qua xem phim có thể là một phần quan trọng trong việc thư giãn và giảm căng thẳng. Điều quan trọng là biết giới hạn thời gian và không để thói quen này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của mình.


Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY

Chia sẻ Facebook