Đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu
Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu được triển khai tới hơn 190 thành phố tại 24 nước, tạo thành một mạng lưới hậu cần kết nối châu Á - châu Âu.
Mới đây, Trung Quốc còn vận chuyển hàng hóa kết hợp giữa đường sắt cao tốc với đường biển để xuất hàng sang các nước Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và châu Âu.
Chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ cảng Thanh Đảo đi Vladivostok, Nga với 346 TEU hàng tiêu dùng, phụ kiện máy móc, mỹ phẩm trị giá 13 triệu USD. Sau bốn ngày vận chuyển trên biển, hàng hóa sẽ đến Nga và được vận chuyển tiếp bằng đường sắt đến các thành phố của Nga và châu Âu.
Sáng kiến đường biển kết hợp đường sắt từ khu vực thí điểm Thanh Đảo này giúp tăng năng lực vận tải lên hơn 3 lần, giảm một nửa thời gian vận chuyển so với chỉ đi bằng đường sắt, giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Khu vực thí điểm Thanh Đảo hiện đã mở 17 tuyến đường sắt quốc tế đến 51 thành phố tại 22 nước thành viên SCO và sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Trong nửa đầu năm nay, tổng lượng xuất nhập khẩu chỉ riêng từ khu thí điểm Thanh Đảo đến các nước Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đạt 30,75 tỷ Nhân dân tệ (gần 4,5 tỷ USD). Lượng hàng xuất nhập khẩu giữa khu vực này và các nước SCO dự kiến sẽ tăng 86%.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 10.000 chuyến tàu hàng đi lại giữa Trung Quốc và châu Âu bằng đường sắt với hơn 1 triệu TEU, qua đó góp phần đáng kể khắc phục tình trạng tắc chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu nếu chỉ vận chuyển bằng đường biển trong thời đại dịch.
Từ khi xảy ra dịch COVID-19, giá vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tăng đột biến, khiến giao thương bằng đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu tăng cao.