Đẩy mạnh chống hàng giả mùa Tết, thêm quyết liệt quản lý thị trường
Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao nên hàng giả, hàng kém chất lượng càng là thách thức đối với việc siết chặt quản lý thị trường.
Hàng giả “chốt đơn” rầm rộ
Thói quen mua sắm online (trực truyến) ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng. Điều này cũng gây khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Minh Tuyết, 27 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đầu tháng 1 vừa qua, cô mua một chai nước hoa được giới thiệu xuất xứ từ Pháp từ một sàn thương mại điện tử với giá 485.000 đồng/100ml.
Tuy nhiên, khi nhận hàng, Tuyết nhận thấy sản phẩm kém chất lượng: “Nước hoa gần như không có hương thơm gì cả. Khi quyết định mua, tôi đã cẩn thận xem các đánh giá 5 sao, nhận xét hàng rất tốt nhưng dùng chẳng khác gì nước lã. Liên hệ với shop thì họ trả lời chỉ cam kết đúng mẫu mã, hình ảnh còn chất lượng thì không biết… vì cũng lấy lại từ người khác”.
Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ ảnh hướng đến người tiêu dùng mà còn “vạ lây” đến các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín. Ông Phan Thanh Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NPOIL cho biết, tình trạng hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, hơn nữa hàng giả hiện rất khó để phân biệt và phát hiện trên môi trường mạng.
“Hiện tại, doanh nghiệp đã thực hiện triển khai các công tác tuyên truyền, marketing để chống hàng giả, thay đổi mẫu mã, đồng thời ứng dụng các công nghệ chống giả lên sản phẩm để ngăn chặn hàng giả cho sản phẩm”, ông Thảo nói.
Đối với các gian hàng của công ty trên thương mại điện tử, ông Thảo cũng cho rằng doanh nghiệp đã triển khai đăng ký các gian hàng Mall, cung cấp các giấy tờ chứng minh chất lượng để người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm.
Hồi đầu tháng 12/2023, cơ quan chức năng đã xử lý vụ việc liên quan đến website phoxedien.com có chủ sở hữu là Công ty TNHH xe điện xe máy Vinh Phát có địa chỉ tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.
Trang web này giới thiệu là nhà phân phối chính hãng của nhiều hãng xe: PEGA, KAZUKI, DK Bike, OSAKAR. Tuy nhiên, sau thẩm tra xác minh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) phối hợp với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đồng loạt kiểm tra 10 chi nhánh thuộc chuỗi phoxedien.com. Sau 3 ngày kiểm tra, lực lượng tạm giữ trên 200 xe điện, xe máy các loại có dấu hiệu vi phạm để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày.
Để kiểm tra cơ sở này, lực lượng quản lý thị trường có thời gian dài theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận nhiều mặt hàng được giới thiệu là hàng hiệu được bán với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tại địa điểm bị kiểm tra.
Trong khi đó, đại diện nhiều sàn thương mại điện tử như Lazada, Shoppe… cam kết sẽ siết chặt quản lý, giữ quyền xóa nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Nếu người mua hàng phản ánh nội dung quảng cáo sai sự thật, sàn thương mại điện tử có công cụ gỡ bài, thậm chí xóa tài khoản, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn..., đồng thời báo cáo với chính quyền về vi phạm để nhà cung cấp không chỉ chịu chế tài trên nền tảng số mà còn chịu chế tài xử lý Nhà nước.
Tập trung kiểm tra thương mại điện tử
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, báo cáo năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường chỉ ra, hiện nay đang có hàng trăm sàn thương mại điện tử hoạt động dưới hình thức website.
Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên các nền tảng xã hội khác như tiktok, zalo, facebook, intagram… với đa dạng hình thức bán hàng.
Bên cạnh sự phát triển tích cực của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách.
Chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái trong năm 2023 có chiều hướng gia tăng vì lợi nhuận cao.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Từ thực tế kiểm tra, xử lý, chúng tôi nhận thấy tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm, thể hiện rõ ở số lượng trường hợp vi phạm đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước”.
Các mặt hàng được các đối tượng tập trung kinh doanh gồm thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử, quần áo, giày dép, mắt kính, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng điện gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện, thuốc tân dược… Đặc biệt, hàng hóa vi phạm thường giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Burberry, Louis Vuitton, Hermes, Gucci, Dior, Adidas…
“Theo đánh giá của chúng tôi, việc kinh doanh, buôn bán hàng giả của các đối tượng ngày càng tinh vi và hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử và việc thuận tiện trong mua - bán online trên mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các đối tượng này còn lợi dụng địa bàn Thành phố rộng, tập trung nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa và dân cư tập trung động cũng như nhu cầu mua sắm của người dân cao để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,…”, ông Huy phân tích.
Đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra nhiều vào tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh. Bởi với lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại, hình thức thì hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng.
Do đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh xác định tập trung vào công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; tập trung kiểm tra tại các khu vực địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi
Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm tra chuyên ngành hơn 5.000 vụ liên quan đến hành vi kinh doanh hàng lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm an toàn thực phẩm; hoạt động thương mại điện tử; hoạt động kinh doanh xăng dầu (tăng 42,05% so với năm 2022).
Tổng số tiền thu đã thu nộp ngân sách trên 96,7 tỷ đồng (tăng 66,80% so với cùng kỳ năm trước) gồm 83,3 tỷ đồng tiền phạt hành chính, 11,3 tỷ đồng tiền bán hàng tịch thu và 2,1 tỷ đồng tiền truy thu số lợi bất hợp pháp.
Cũng trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là 21 vụ, ước tính trị giá hàng hóa vi phạm là khoảng 54,3 tỷ đồng và đã tiếp nhận 6 vụ chuyển lại từ cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý hành chính.
Yếu tố gây khó khăn nhất cho lực lượng quản lý thị trường là dân số thành phố Hồ Chí Minh đông, địa bàn rộng, các hoạt động chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng được các đối tượng chuyển vào các căn nhà trong hẻm sâu hoặc trong các chung cư cao cấp khó phát hiện.
Nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, tuy nhiên do việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đem lại lợi nhuận lớn dẫn đến nhiều trường hợp tiếp tục tái phạm.