Đây là vật dụng cơ quan nào cũng có, nhân viên nào cũng sử dụng nhưng ''ướp'' tới 11,4 triệu vi khuẩn/cm2, cao gấp 100 nghìn lần bồn cầu

Chia sẻ Facebook
02/05/2022 19:39:23

Nếu sử dụng không đúng cách, tủ lạnh có thể là nơi nuôi dưỡng vi khuẩn phát triển.


Ngoài lò vi sóng, tủ lạnh là vật dụng thường được các cơ quan trang bị để cho các nhân viên sử dụng hàng ngày. Ngoài để đồ ăn vặt, nước uống thì nhiều chị em còn tranh thủ đi chợ buổi sáng rồi bỏ thức ăn tươi sống trong tủ lạnh cơ quan, để đến khi tan làm sẽ tiện mang về nhà.

Song, sẽ ít ai biết được rằng, bên cạnh chức năng bảo quản thức ăn, duy trì độ tươi ngon thì tủ lạnh còn là môi trường tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn gây hại.

Theo "Báo cáo sức khỏe gia đình" của Hội đồng Vệ sinh Toàn cầu (Global Hygiene Council - GHC), tủ lạnh là nơi bẩn thứ 2 trong ngôi nhà, với trung bình 11,4 triệu vi khuẩn trên mỗi cm2. Trong khi trên sàn bếp chỉ có 10.000 vi khuẩn, trên thớt có 1.000 và trong nhà vệ sinh chỉ có 100 vi khuẩn trên cùng một diện tích đó. Nếu sử dụng không đúng cách, thực phẩm bảo quản bên trong có thể sẽ bị hỏng, không đảm bảo sức khỏe cho người dùng.

5 loại vi khuẩn nguy hiểm cực kỳ ưa thích môi trường tủ lạnh

1. Listeria

Listeria có biệt danh là "Sát thủ tủ lạnh", khả năng sinh tồn của nó đặc biệt mạnh, có thể sống được trong môi trường 0-45°C, thậm chí ở nhiệt độ -20°C có thể sống được 1 năm.

Hoạt động bảo quản thịt (đặc biệt là thịt bò), các sản phẩm từ sữa làm từ sữa, hải sản, salad rau và các nguyên liệu thực phẩm khác rất dễ sinh ra vi khuẩn Listeria. Sau khi nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, sốt cao, đau bụng, buồn nôn, nôn và các biểu hiện khác trong vòng 3 - 70 ngày. Các triệu chứng nặng hơn còn có thể gây viêm màng não, viêm thận, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong.

Trong tủ lạnh có tới 11,4 triệu vi khuẩn

2. Salmonella

Salmonella là một loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất, chủ yếu được tìm thấy trong thịt gà, thịt, vỏ trứng và các nguyên liệu thực phẩm khác, thường có thể tồn tại trong 2-3 tháng trong tủ lạnh.

Sau khi nhiễm bệnh, người bệnh có thể bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện khác, một số người bị suy giảm hệ miễn dịch nguy hiểm đến tính mạng.

3. Vibrio parahaemolyticus

Vibrio parahaemolyticus là một loại vi khuẩn sống ở biển, chủ yếu được tìm thấy trong một số loại hải sản như sò, tôm, cá, cua ... Sau khi nhiễm có thể gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa… sau khi vào máu có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

4. Shigella

Shigella phổ biến hơn trong thịt, các sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản và các loại thực phẩm khác. Nó có thể tồn tại trong tủ lạnh khoảng 3 tháng và có thể xuất hiện trong vòng 1-2 ngày sau khi nhiễm bệnh đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, thậm chí có thể bị nhiễm độc toàn thân.

5. Yarrowia

Nó có mặt rộng rãi ở động vật gia cầm, bao gồm gà, vịt, bò, cừu và lợn. Bên cạnh đó, các sản phẩm sữa, trứng, đậu và các loại thực phẩm khác cũng có thể bị nhiễm. Nó có thể tồn tại trong 1-2 tháng trong tủ lạnh. Sau khi nhiễm bệnh nhân có thể bị sốt và đau bụng, cũng có thể gây ra tiêu chảy, phân có nước màu vàng hoặc chất nhầy trong phân, và nặng là áp xe gan, áp xe não, viêm màng não, nhiễm trùng huyết…


Những sai lầm trong cách dùng tủ lạnh

Dưới đây là những sai lầm rất dễ mắc phải ở chốn công sở, thậm chí là ở ngay trong gia đình khiến tủ lạnh đã bẩn lại càng bẩn hơn.


Không lau dọn thường xuyên

"Cha chung không ai khóc", bởi vậy sẽ rất khó để việc lau dọn tủ lạnh được diễn ra thường xuyên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân điển hình khiến vi khuẩn phát triển mạnh.

Trong khi đó, thức uống hay thức ăn bị rơi, đổ tràn trong tủ lạnh là điều khó tránh khỏi. Khi gặp tình trạng này, chúng ta cần phải lau sạch ngay lập tức để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.

Các chuyên gia khuyến cáo phải lau sạch thực phẩm, nước uống khi chúng đổ tràn trong tủ lạnh. Tủ cần được lau sạch ít nhất 2 lần/tuần bằng các loại dung dịch tẩy rửa thích hợp và nước.


Nhét quá nhiều món trong tủ lạnh

Do số lượng người dùng tủ lạnh tại nơi công sở là quá đông nên gần như tất cả các ngăn tủ lạnh đều được lấp đầy đồ ăn. Song, tủ lạnh nhồi nhét quá nhiều thức ăn sẽ khiến khí lạnh không thể tỏa đều đi mọi ngóc ngách bên trong, khiến một số món có thể sẽ không lạnh đủ. Hệ quả là vi khuẩn dễ phát triển và gây ngộ độc khi ăn.


Mở cửa tủ lạnh quá lâu

Nhiều người có tật xấu mở cửa tủ lạnh rồi đứng ngắm nghía, tìm kiếm thứ gì đó để ăn. Hành động này vô tình làm bạn mở cửa tủ lạnh quá lâu, khiến các thực phẩm đang bảo quản bên trong tiếp xúc với nhiệt độ nóng bên ngoài, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng của chúng.

Mỗi khi mở và đóng cửa tủ lạnh, các chuyên gia khuyến cáo là không nên mở lâu quá 2 phút.


Không làm sạch thực phẩm

Do sau khi mua đồ ăn ngoài chợ hay siêu thị, chị em sẽ không có thời gian làm sạch mà sẽ để vào tủ lạnh ngay lập tức. Trong khi đó, quá trình giết mổ gia súc, thu hoạch rau củ rồi vận chuyển, bán tới tay người tiêu dùng, thực phẩm dễ bị nhiễm vi khuẩn. Nếu không làm sạch trước khi bảo quản trong tủ lạnh sẽ khiến vi khuẩn lây lan sang các thực phẩm khác và bám vào tủ lạnh. Đặc biệt là đá viên, rất được cánh mày râu sử dụng để uống nước ngày hè.


Nguyễn Phượng

Theo Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook