Dạy con tự lập
Bố mẹ yêu con bằng “tình yêu tử cung”, không dạy con ý thức tự lập từ khi còn nhỏ nhưng lại muốn nó tự lập khi nó lớn...
Hồi xưa, theo nhìn nhận chủ quan của mình, các ông bố bà mẹ đa số chẳng biết “dạy con tự lập” là gì, chẳng qua phần đa nhà khổ quá, đông con, nên buộc lòng bọn trẻ con phải sớm biết học làm việc nhà, trông em, phụ việc đồng, việc kiếm tiền… nên tự động hình thành tính tự lập chứ không được dạy một cách có ý thức. Nói theo ngôn ngữ học thuật thì đó là một hình thức giáo dục thụ động, không phải chủ động.
Từ những năm cuối thập niên tám mươi trở về đây, cuộc sống vật chất khá hơn trước, các cặp vợ chồng sinh ít con hơn, trẻ con chỉ học là chính. Rồi tiếp đến là học thêm, học thêm và học thêm tất cả những môn học để chiều lòng thầy cô hoặc những môn năng khiếu mà bố mẹ nghĩ ra hoặc từng ao ước mà không được học, dồn hết lên đứa trẻ. Đứa trẻ không còn thời gian để chơi, vận động, nói gì đến thời gian cho việc nhà, học kỹ năng, rèn tính cách.
Ngày xưa, trẻ buộc phải làm việc nhà, vô hình chung qua đó học được tính tự lập chứ không phải được dạy một cách có ý thức. Do đó, ngày nay, khi trẻ bận học nhiều, không phải làm việc nhà thì tự nhiên cái giáo dục thụ động kia cũng biến mất, mà trẻ lại không được chủ động dạy tính tự lập một cách có ý thức từ bố mẹ, nên lẽ dĩ nhiên ngày càng xuất hiện nhiều những người lớn trẻ con – những người không biết cách sống tự lập, chuyên dựa dẫm, ỷ lại.
Trong những người được tiếp nhận tính tự lập một cách thụ động không phải ai cũng ý thức về tính tự lập, bởi có nhiều người sau khi thoát khỏi hoàn cảnh bị buộc phải tự lập (ví dụ như lập một gia đình mới) thì họ không tự lập nữa mà quay về với tính dựa dẫm, ỷ lại nơi gia đình mới nếu gia đình mới có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Từ đây xuất hiện tính vô trách nhiệm, những mâu thuẫn, chỉ trích, rạn nứt…
Ta thấy, ý thức tự lập rất quan trọng bởi khi có ý thức về tính tự lập qua dạy bảo, hướng dẫn một cách chủ động thì người ta có ở hoàn cảnh nào vẫn cố gắng tự lập và coi việc dựa dẫm, ỷ lại, lợi dụng là một điều rất xấu hổ, họ sẽ cố hết sức để tránh điều đó. Qua đó, tính trách nhiệm hình thành rõ rệt và vững chắc trong tính cách của họ.
Giáo dục con trẻ tính tự lập là điều hết sức quan trọng bởi nếu không bố mẹ sẽ phải gánh “cục nợ” chứ không còn là “cục cưng” nữa khi con qua tuổi trưởng thành mà vẫn bám víu gia đình.
Trong văn hóa của người Việt có rất nhiều điều mâu thuẫn. Bố mẹ yêu con bằng “tình yêu tử cung” , không dạy con ý thức tự lập từ khi còn nhỏ nhưng lại muốn nó tự lập khi nó lớn. Khi nó không thể tự lập thì chỉ biết chì chiết, chỉ trích, chửi bới, oán hận, đổ tại trời, ghét bỏ, nhưng… vẫn cưu mang và coi đó là “cục nợ đời” mà mình phải gánh. Hiếm có bố mẹ nào tự trách mình.
Để tránh “cục cưng” của mình thành “cục nợ đời” trong tương lai thì ngay từ nhỏ bố mẹ phải có ý thức chủ động hướng dẫn con tính tự lập và ý thức được tầm quan trọng của điều này.
Trong những bài viết về giáo dục trước: học ăn, học nói, học gói, học mở,… tôi đều nói về tính tự lập khi các con học những điều trên.
Dạy con tính tự lập không phải là bắt đứa trẻ ngồi rồi bảo, “Con phải có tính tự lập, tự lập là tốt, v.v..” đứa trẻ chẳng nghe và hiểu gì đâu. Dạy con tính tự lập phải bằng hành động đi kèm hướng dẫn, giải thích, mỗi ngày một chút thông qua chuyện dạy tự đi ỉa đái, tự giữ vệ sinh, tự ăn, tự uống, tự dọn bàn, tự rửa chén, tự dậy, tự học… Nếu đứa trẻ lên bảy tám mà vẫn phải để bố mẹ nhắc quá nhiều trong mỗi việc thì cần coi lại, vì điều đó chứng minh bố mẹ chưa dạy được cho con về ý thức tự lập.
Đứa trẻ là đứa trẻ nên nó sẽ quên, sẽ ham chơi, sẽ lơ đãng, sẽ có lúc lười biếng trốn việc trốn học… để bố mẹ phải nhắc, đó là điều hết sức bình thường, nhưng nếu đứa trẻ đã được dạy ý thức tự lập thì điều này có diễn ra nhưng ít, khi được bố mẹ nhắc trẻ sẽ vui vẻ thực hiện ngay chứ không cãi lại, không ỳ ra làm ngơ hoặc giận dỗi…
Tôi diễn giải hơi dài ở phần này, bởi tôi muốn các bậc bố mẹ cần nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa áp đặt bắt trẻ làm việc nhà với việc dạy trẻ ý thức. Áp đặt bắt trẻ làm việc nhà không hình thành được ý thức tự lập. Chỉ có chủ động hướng dẫn trẻ mới có ý thức tự lập.
Làm sao để dạy trẻ ý thức tự lập?
Khi con còn bé, khoảng một tuổi trở đi, biết nói, ta cần hướng dẫn trẻ nói, đòi khi muốn đái, ỉa, khát, đói. Trẻ sẽ mê chơi, sẽ quên và nhiều lần đái dầm, đừng tức giận quát mắng, hãy lặp lại lời dạy, “Lần sau bé buồn tè thì bé kêu mẹ nhé!” Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ quen và ý thức được việc gọi khi có nhu cầu. Khi trẻ đã biết gọi khi có nhu cầu, ta hướng dẫn trẻ khi có nhu cầu thì tự đi đái, ỉa và tự vệ sinh sau khi xong. Khi trẻ khát, ta hướng dẫn trẻ tự rót nước uống. Và tạo điều kiện cho trẻ tự làm: đựng nước trong bình nhỏ dễ sử dụng, để bình và ly vừa tầm lấy của trẻ. Ta dạy trẻ tự lập nhưng không tạo điều kiện thì trẻ sao tự làm được, phải không ạ?
Khi dạy trẻ tự xúc ăn, ta không được mất kiên nhẫn khi trẻ xúc mãi không được thìa cơm rồi giằng lấy đút cho nhanh. Trẻ làm rơi vãi, trây trét khắp mặt khắp người và bàn ăn là điều hết sức bình thường và đáng yêu ở tuổi tập ăn, đừng vì sợ ngại dọn dẹp mà quát nạt bắt trẻ ngay lập tức phải chỉn chu. Hãy kiên nhẫn hướng dẫn con cách cầm thìa, cách xúc. Cầm xúc cho trẻ xem, rồi đặt xuống cho trẻ xúc, cầm tay trẻ hướng dẫn rồi để trẻ tự xúc. Khi trẻ làm được, hãy khen ngợi, khuyến khích và cổ vũ trẻ. Xong bữa, hãy đưa trẻ cái khăn dạy trẻ cách lau dọn. Dĩ nhiên trẻ sẽ chẳng thể lau sạch được, nhưng đó là ý thức.
Trẻ lớn chút thì dạy trẻ rửa bát của trẻ, rửa rau, rửa trái cây… Tôi lặp lại, trẻ không thể làm một cách hoàn hảo như người lớn, nhưng hãy dạy và để trẻ làm, đừng đuổi trẻ ra chỗ khác khi trẻ làm chưa tốt. Tôi thấy có nhiều bà mẹ hay đuổi con đi chỗ khác không cho trẻ sờ mó vào công việc của mình, nhất là bếp núc. Hoặc khi sai khiến trẻ làm, trẻ làm chưa đạt thì liền mắng, quát, đuổi trẻ ra chỗ khác, thậm chí còn sỉ nhục trẻ “vô tích sự” . Đó là một điều hết sức tệ và mâu thuẫn. Hãy đừng làm thế.
Để dạy trẻ tự thức dậy mỗi sáng, trước đó ta cần trang bị đồng hồ báo thức cho trẻ và khi đánh thức trẻ ta cần khuyến khích trẻ tự thức lần sau để kịp ăn sáng, kịp đi học… Những cái ôm trìu mến, những lời khen ngợi, động viên luôn có tác dụng giáo dục tốt hơn sự nóng giận, ánh nhìn tức tối và lời nói chỉ trích.
Dạy trẻ tự lập thời khóa biểu cho mình và khuyến khích trẻ thực hiện. Thời gian đầu trẻ sẽ luôn luôn trễ hoặc xáo trộn thời khóa biểu, xin đừng quát mắng, hãy nhắc và thưởng khi trẻ làm đúng thời khóa biểu do trẻ lập ra.
Cứ thế, từ việc nhỏ xíu cho đến việc lớn hơn, ta kiên trì hướng dẫn và khích lệ, tạo điều kiện cho trẻ thì trẻ sẽ hình thành được ý thức tự lập từ rất sớm.
Một điều hết sức quan trọng: Bố mẹ, ông bà trong nhà cũng phải ý thức được trẻ đang nhìn vào mình để bắt chước nên cần phải có sự tự lập. Ông bố có thể tự đi lấy tăm rót nước uống sau bữa ăn thì hãy tự đi lấy tăm rót nước, đừng nhờ người khác hoặc đừng sai khiến bắt trẻ lấy cho mình.
Việc người nào đó trong nhà giúp nhau, chuẩn bị sẵn cho nhau là điều bình thường và thể hiện tình cảm, hãy cảm ơn về điều đó, đừng xem đó là điều đương nhiên mà người ta phải phục dịch mình. Muốn trẻ rót nước cho mình thì hãy rót cho bố mẹ, cho vợ (chồng) và hãy cảm ơn nhau để trẻ thấy, trẻ sẽ hiểu đó là vì tình cảm, không phải nghĩa vụ và điều kiện để được yêu. Không bao giờ được phép dạy kiểu, “Con rót cho mẹ cốc nước, mẹ yêu.” Trẻ sẽ nghĩ yêu là phải có điều kiện. Người lớn có thể làm những việc của bản thân thì hãy tự làm, đừng sai vặt trẻ phục vụ cho mình.
Dạy trẻ có ý thức tự lập thì khi trẻ đã có ý thức rồi, bố mẹ sẽ rất khỏe, nuôi con nhẹ nhàng chứ không suốt ngày hò hét náo loạn. Dạy trẻ ý thức tự lập không khó, trước tiên, bố mẹ nhìn lại mình xem đã ý thức đủ về ý thức tự lập chưa, phương pháp của mình và nếu thấy chưa đúng cách thì cần thay đổi, sẽ dạy được trẻ rất nhanh.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây . Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm cùng tác giả :
Làm cách nào để dạy một đứa trẻ “ngỗ nghịch”?
Mời xem video :