Dạy con lòng can đảm

Chia sẻ Facebook
25/09/2022 15:13:52

Can đảm là gì? Là dám nói lên tiếng nói trung thực của mình, đối mặt với những khó khăn, thử thách. Lòng can đảm tự dưng mà có? Không. Do giáo dục và rèn luyện mà dần hình thành tính cách.

Làm sao để rèn luyện được lòng can đảm? Mình nghĩ, gia đình là môi trường tốt nhất cho con trẻ rèn luyện lòng can đảm. Muốn rèn cho con lòng can đảm, cha mẹ tuyệt đối không được lấy bất cứ hình tượng nào ra để hù dọa con. Đây là một lỗi lớn mà hầu hết cha mẹ Việt mắc phải.

Từ nhỏ tới lớn, mình thường xuyên nghe rất nhiều ông bố bà mẹ, ông bà trong gia đình đem ông kẹ, ông ba bị, ông ăn xin, chú công an, ông hàng xóm… ra dọa trẻ con để bắt nó nghe lời. Họ bất lực trong việc nói chuyện với trẻ, không đủ kiến thức để giải thích, không đủ kiên nhẫn để hướng dẫn nên họ thường dùng cách dễ nhất là dọa và làm cho trẻ sợ để buộc trẻ phải phục tùng.


“Ăn nhanh đi không ông kẹ vô bắt giờ.” “Mày mà không ngoan thì ông ăn xin đi ngang sẽ bắt bỏ vô bị đem đi luôn đó nghen.” “Bú nhanh đi, kìa kìa chú công an ơi, bắt nó đi!” “Tối rồi mà còn đòi đi chơi đâu?! Khu đó ma không đó.” … Những lời hù dọa ấy, người lớn nghĩ vô hại, nhưng không vô hại đâu ạ, nó đi vào tiềm thức của trẻ và làm cho trẻ luôn phải sợ hãi một điều gì đó, kể cả điều không có thật.

Gia đình Việt cũng thường mắc một lỗi khác, nặng không kém việc hù dọa, đó là ôm ấp bảo bọc quá đáng. Trẻ lớn tướng vẫn cho ngủ cùng bố mẹ. Chúng không được làm quen với không gian một mình và đối mặt với những nỗi sợ, vượt qua nó. Từ một việc nhỏ, trẻ không dám đối mặt thì sẽ khó lòng mà đối mặt với những khó khăn lớn khi trưởng thành. Trẻ sẽ không dám tự quyết điều gì, luôn dựa dẫm vào người khác trong tư duy.

Lòng can đảm phải luôn đi đôi với sự trung thực và kiến thức, khả năng nhận biết phải trái đúng sai để bổ trợ, nếu không, nhiều khi, nó trở thành sự liều lĩnh và thường gây hại. Lòng can đảm phải được khuyến khích mỗi ngày, trong mọi việc.


Con làm vỡ lọ hoa quý của bà, con sợ, không dám nhận, người lớn trong gia đình phải biết cách nói chuyện với trẻ, “Đó là lọ hoa rất quý của bà, con lỡ làm rơi vỡ của bà rồi, con phải báo cho bà biết là con đã làm vỡ và xin lỗi bà vì sự vô ý của mình.” “Nhưng con sợ bà mắng!” “Ưm, mình làm lỗi, bị bà mắng là đúng. Nhưng nếu con giấu đi, bà biết bà sẽ giận nhiều hơn. Con hãy nghĩ cách nào đó để bù đắp lại cho bà vì làm vỡ bình của bà đi! Mẹ (bố) sẽ giúp con, chúng ta cùng gắn cái bình lại, chúng ta có thể tiết kiệm để mua tặng bà cái bình khác… Bà sẽ không giận đâu nếu con chân thành nhận lỗi, xin lỗi…” Đấy là khuyến khích trẻ can đảm đối diện với sai lầm của mình và giải quyết hậu quả.

Trẻ đi học, chơi với bạn, thấy bạn bị nhóm bạn khác bắt nạt, ăn hiếp, trẻ không dám nói gì, về nhà kể cha mẹ nghe, cha mẹ Việt thường bảo trẻ xê ra không dính vào những rắc rối. Nhưng, chính điều đó lại triệt tiêu sự can đảm của trẻ. Mà, khi sự can đảm không được khuyến khích thì cái hèn nhát sẽ lấn át. Nó là hai mặt đối nghịch, thiếu mặt này thì mặt khác tất yếu phát triển. Trong trường hợp này, cha mẹ hãy nói cho trẻ biết việc nói chuyện này với người lớn là điều đúng và can đảm. Hãy lắng nghe con, nói chuyện với bạn của con, với thầy cô để tìm hiểu gốc rễ của vấn đề và giúp trẻ giải quyết, không được phép làm ngơ và bảo trẻ tránh xa bạn. Không được gieo vào đầu trẻ hành vi hèn nhát, bỏ mặc người yếu thế.

Trẻ chơi với bạn, đánh nhau bầm mặt, đổ máu… về nhà cha mẹ phải chăm sóc vết thương cho trẻ và hỏi nguyên nhân, hỏi tới hỏi lui để chắc chắn có thể hiểu được 50-70% sự việc, liên hệ với cha mẹ của bạn kia để trao đổi và để cho hai trẻ gặp nhau, đối diện nhau, nhận sai với nhau, bắt tay nhau giảng hòa một cách rõ ràng, trung thực và ngay thẳng. Không được bênh con xót con mà nhảy ngược lên mắng người. Nếu trong trường hợp con vì bênh bạn yếu thế mà đánh nhau với nhóm bạn khác, thì phải khen ngợi sự can đảm của con, nhưng hướng dẫn thêm cho con là con không cần đánh nhau, có cách khác hay hơn.

Từng chút một, sự can đảm mới dần hình thành trong trẻ và theo trẻ suốt cuộc đời còn lại. Khi có lòng can đảm, trẻ sẽ dễ trở thành người điềm tĩnh trước mọi vấn đề trong cuộc sống, sẽ luôn tìm kiếm giải pháp, chẳng bao giờ đổ thừa, luôn cố gắng trung thực nhất, là điểm tựa vững chắc cho gia đình, ra xã hội sẽ dễ có cơ hội thành công, trở thành đầu tàu, thủ lĩnh.

Lý thuyết thì vậy, nhưng nếu cha mẹ chỉ dạy mà không làm gương, không sống can đảm thì trẻ sẽ không học được, thậm chí còn gây hại cho trẻ bởi trẻ sẽ nhìn thấy giữa lời nói và hành động của cha mẹ không giống nhau, trẻ bị mâu thuẫn nội tại và mất niềm tin trầm trọng.

Cha dạy phải biết bênh vực bạn, nhưng khi thấy trẻ vì bênh bạn mà đánh nhau thì cha lại đánh đòn, phạt trẻ thì trẻ sẽ không hiểu vì sao lại thế. Mẹ dạy trẻ phải can đảm nhận lỗi, nhưng nếu mẹ có lỗi, dù nhỏ với trẻ mà mẹ phớt lờ không xin lỗi thì trẻ sẽ có tâm lý coi thường và lần sau khi trẻ phạm lỗi trẻ sẽ nhơn nhơn dửng dưng coi như điều bình thường.

Dạy trẻ không khó, khó là chúng ta phải tự sửa mình, tự hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày.

Trong bài này, mình không đề cập đến môi trường giáo dục ở nhà trường và xã hội Việt Nam, vì hai nơi đó hiện nay không rèn luyện được cho trẻ lòng can đảm. Chúng ta phải tự dạy con chúng ta thôi, vì chính con và vì xã hội tốt đẹp mai sau.


Nguyễn Thị Bích Ngà


Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây .

Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây .

Lúc nguy nan sẽ nhìn rõ nhất nhân phẩm, tiết tháo một người


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook