Dạy con học đi, học đứng, học ngồi, học nằm
Dạy trẻ học đi học đứng học nằm học ngồi là dạy tư thế con người. Đây là một điều quan trọng, bởi tư thế một người là tướng mạo bề ngoài...
Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận
Cách đây ít lâu, dân mạng cười và châm biếm một cô hoa hậu ngủ với tư thế hớ hênh trên máy bay. Nếu chuyện đi đứng nằm ngồi không quan trọng thì chẳng ai cười cô làm gì. Một người đi đứng thanh thoát nhẹ nhàng thường là người nhanh nhẹn trong công việc, một người ngồi ở đâu cũng thẳng lưng thường là người trực tính, một người luôn chọn vị trí ngồi quay mặt ra, lưng đối diện tường là người thích sự chủ động và kiểm soát. Người đi lê dép lẹt quẹt thường là người chậm chạp trong các thao tác làm việc, người lúc nào cũng ngồi dạng háng, lưng tựa vào ghế ngã bụng ra phía trước thường là người thích thể hiện quyền lực (dù có quyền hay không).
Trẻ em khi biết chạy nhảy thường rất hiếu động, ta cần tôn trọng tuổi thơ, quyền được chơi đùa học hỏi, trải nghiệm của chúng, nhưng điều đó không đồng nghĩa là cứ kệ chúng mọi thứ mà không hướng dẫn. Dạy trẻ học đi học đứng học nằm học ngồi là dạy tư thế con người. Đây là một điều quan trọng, bởi tư thế của một người là tướng mạo bề ngoài và thông qua đó nói lên rất nhiều về văn hóa, tính cách. Do đó dạy con đi đứng nằm ngồi không chỉ dạy cách đi đứng nằm ngồi thế nào mà thông qua đó hướng dẫn con tạo ra “dáng đứng” của bản thân.
Từ bé, khoảng năm tuổi, ngoài những lúc chơi đùa chạy nhảy thỏa thích, tôi thường được mẹ nhắc việc đi dép phải nhấc chân lên, không kéo lê dép loẹt xoẹt trên nền đất. Mẹ bảo, khi đi nhấc chân sẽ nhanh nhẹn hơn trong việc đi lại, dáng đi thanh thoát, nhẹ nhàng, tốt cho cơ bắp và xương. Đi đứng loẹt xoẹt không nhấc chân lên sẽ thành cái dáng đi như con vịt lạch bạch, chậm chạp, lười nhác và cẩu thả, hại khớp gối khớp háng, các cơ không được co kéo đúng độ sẽ dễ bị co cơ, sinh ra đau mỏi không thể đi xa đi nhanh, không thể mang vác nặng.
Việc lê dép trên nền nhà còn gây ra tiếng động lớn khi di chuyển làm phiền tai người khác. Nhất là phụ nữ, dáng đi rất quan trọng, khi nhấc chân lên và đi khép chân mới tạo ra được sự uyển chuyển. Một người biết nhấc chân lên không kéo lê dép làm phiền người khác thì sẽ biết tôn trọng không gian yên tĩnh cho người xung quanh khi họ cần nghỉ ngơi, làm việc.
Ta thử tưởng tượng ta đang ngồi trong văn phòng làm việc yên tĩnh với một sự tập trung cao, bỗng có người loẹt xoẹt lê giày dép đi vào thì cái tiếng động đó là một sự làm phiền không hề nhỏ. Hoặc khi ta nằm nghỉ muốn ngủ, mà người trong nhà cứ loẹt xoẹt lê dép di chuyển tới lui thì sẽ khó chịu như thế nào. Khi ngay đến cái bước chân họ còn không thể, không biết cách kiểm soát thì mọi hành động khác như rửa cái chén, rót cốc nước đặt xuống bàn, lời ăn tiếng nói đều sẽ gây ra tiếng động lớn vì họ không quan tâm đến tiếng động, kể cả khi tiếng động đó làm phiền người khác. Ngày trước, khi tuyển người làm việc bếp và phục vụ cho quán, tôi không tuyển người đi đứng lê chân vì tôi biết rằng họ rất chậm chạp, hay than phiền.
Con người có rất nhiều tư thế ngồi. Khi ngồi với bạn bè trong các cuộc vui thì thoải mái tư thế. Nhưng khi ngồi trước mặt người lớn tuổi hơn hoặc khi làm việc, trong cuộc họp, trong tiếp khách, trong các buổi tiệc sang trọng thì tư thế ngồi rất quan trọng, nó thể hiện rất rõ tư cách, tâm thế của ta nên nhất định không thể tùy tiện. Nhìn những bức ảnh chụp, nhất là những bức ảnh chụp những người lãnh đạo đất nước, ta có thể hiểu con người họ.
Tư thế chuẩn khi tiếp khách phải là thẳng lưng, hai chân đặt dưới sàn, ngang vai, tay đặt thoải mái lên thành ghế hoặc trên đùi. Tư thế ngồi này thể hiện sự tôn trọng đúng mực với khách và buộc khách phải tôn trọng mình.
Khi nói một câu chuyện thoải mái, có thể ngồi hơi dựa lưng vào ghế, chân nọ vắt lên chân kia, tay đặt trên đùi, mắt nhìn thẳng người nói để họ biết ta đang tiếp nhận điều họ trao đổi một cách thoải mái nhất. Khi muốn nhấn mạnh một ý quan trọng trong câu chuyện, người nói có thể hơi ngả người về phía người nghe một chút. Khi ngồi tiếp khách hoặc với người lớn với bất kỳ tư thế nào cũng không được phép rung đùi, nhịp chân.
Phụ nữ, khi ngồi ghế tiếp khách dù mặc quần hay áo dài, váy thì cũng với tư thế hai chân khép nhẹ, tay đặt trên đùi. Có thể ngồi vắt chân nọ lên chân kia, thay đổi tư thế, nhưng vẫn là lưng thẳng, tay đặt trên đùi hoặc hai tay đặt úp lên nhau trên đầu gối. Đó là những tư thế sang trọng, quý phái và duyên dáng mà vẫn rất tự nhiên.
Đứng cũng vậy, thẳng lưng khi bắt tay, chào hỏi, điều đó thể hiện sự tự tôn và tôn trọng người khác đúng mực. Không ít người Việt có thói quen vô thức gập lưng khúm núm khi bắt tay người có địa vị xã hội cao hơn mình, điều đó vô hình chung đánh mất sự tự tôn của bản thân và vì vậy mà kẻ đối diện sẽ coi thường mình.
Nằm là lúc thoải mái nhất, có cần gì phải phép tắc lễ nghi sau một ngày mệt mỏi? Ấy thế mà vẫn phải học bởi không phải lúc nào ta cũng nằm một mình trong chính nhà của mình, có những lúc ta phải đi nằm nhà người khác hoặc với người khác. Học để biết cách tránh những hớ hênh.
Có lần tôi đi biểu tình, bị hốt về đồn ngồi từ sáng đến khuya, bị chuyển về đồn khác tiếp tục giữ. Thấy tôi ngồi mãi, gần hai giờ sáng, một công an viên bảo, “Chị cứ nằm trên ghế dài kia cho đỡ mỏi.” Tôi cảm ơn và từ chối, “Cảm ơn anh. Nhưng đây là văn phòng làm việc, không phải là nơi để nằm.” “Chị cứ nằm đi. Giờ này đâu có tiếp khách, làm việc gì nữa.” “Nó vẫn là phòng làm việc, tôi được dạy nằm có nơi có chốn thưa anh.” Ông trưởng công an phường nghe vậy thì bảo một người dân quân tự vệ lên phòng ông ta trên lầu bê xuống một ghế bố và cái gối, kê vào phòng bên trong, ông bảo, “Đây, em nằm nghỉ đi.” Tôi cảm ơn và vào nằm ngủ một giấc đến sáng. Sự tôn trọng không phải bỗng dung mà có, ta phải làm cho người khác tôn trọng mình ngay từ những điều tưởng chừng nhỏ nhất. Những khi tới lui nhà anh chị kết nghĩa chơi, dù khuya dù mệt tôi vẫn chạy về, không bao giờ chui vào phòng vợ chồng anh chị ngủ cho dù anh chị có mời, giữ rất nhiệt tình.
Đi đứng nằm ngồi như thế nào đều thể hiện tư cách, tâm thế con người mình, nó đóng góp khá lớn trong sự thành công hay thất bại khi giao tiếp. Do đó, dạy con hoặc tự sửa chính mình là điều tốt cho mình, không phải cho ai khác. Học văn minh, học lịch thiệp, học tự tôn và tôn trọng người khác ngay từ việc học đi học đứng học ngồi học nằm là vậy.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây .
Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây .
“Tướng đi, tướng đứng, tướng ngồi” trong lễ nghi truyền thống
Mời xem video :