Đầu tư vào vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long - Bài 1: Thời cơ đã đến

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 01:44:00

Tháng 4/2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây lên TP.HCM chỉ còn hơn 2 giờ ngồi xe ô tô. Các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lần lượt được tháo gỡ.


Đã có nhiều dự án FDI "tỷ đô"

Nếu như trước đây nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian cho việc di chuyển từ TP.HCM về miền Tây thì nay đường về miền Tây đã "gần hơn". Tại Cần Thơ còn có sân bay quốc tế đạt tiêu chuẩn cấp 4E, sẵn sàng kết nối với các cảng hàng không trong nước và thế giới.

Điểm nghẽn giao thông thủy, hàng hải cũng đang được khơi thông bằng dự án mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2; nạo vét mở rộng luồng Quan Chánh Bố giai đoạn 2. Theo quy hoạch của ngành giao thông, định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, hoàn thành khoảng 650km đường bộ cao tốc; cải tạo, nâng cấp một số quốc lộ trọng yếu, kết nối, hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông nông thôn khu vực ĐBSCL.

Nhận định về cơ hội đầu tư vào vùng ĐBSCL và tỉnh Hậu Giang, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng, với điều kiện cơ sở hạ tầng được cải thiện, với lợi thế là vùng sản xuất nông sản lớn, giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, ĐBSCL có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, mới đây Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về phướng hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có nhiều chính sách đột phá như thí điểm cơ chế đặc thù cho một số địa phương, đây sẽ thời cơ tuyệt vời để các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn.

Nhìn lại kết quả thu hít đầu tư vào vùng ĐBSCL thời gian gần đây cho thấy, dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh vào vùng này. Chỉ riêng nguồn vốn FDI, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong năm 2021, cả vùng ĐBSCL đã thu hút được 79 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD. Lũy kế tính đến cuối năm 2021, vùng ĐBSCL có 1.835 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 30,3 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% so với tổng vốn FDI đăng ký trên toàn quốc.

Trong năm 2021, vùng ĐBSCL có 2 địa phương lọt tóp 5 địa phương thu hút FDI dẫn đầu cả nước. Cụ thể, đó là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ.

Trước đó, các địa phương: Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu cũng đã thu hút được vốn đăng ký đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng. Bước sang 4 tháng đầu năm nay, vùng ĐBSCL đã thu hút thêm gần 530 triệu USD, nâng tổng số dự án 1.853 dự án còn hiệu lục với số vốn đăng ký đến hết tháng 4 đạt trên 34,3 tỷ USD, chiếm hươn 8%, tổng vốn đăng ký FDI của cả nước.


Vốn khủng FDI sẽ chảy vào năng lượng

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, địa phương vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xản xuất hydro xanh Bến Tre do Công ty TNHH TGS Green Hydrogen (thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư. Dự án này được xây dựng tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Theo đăng ký của chủ đầu tư thì vào cuối tháng 6 tới, dự án sẽ khởi công xây dựng và bắt đầu chạy thử vào quý I năm 2024.

Dự án nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre có diện tích khoảng 22,7ha, trên đất công khu vực gần biển. Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn, tổng vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng. Khi đi vào vận hành dự án sẽ đóng góp vào việc phát triển ngành năng lượng xanh của Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Giải quyết việc làm cho từ 500-1.000 lao động tại địa phương.

Về sản phẩm, ở giai đoạn 1, nhà máy tạo ra 24.000 tấn hydro/năm; 150.000tấn ammonia/năm, 195.000 tấn khí oxy/năm.Giai đoạn 2, tạo ra 60.000tấn hydro/ năm; 375.000 tấn ammonia/năm; 490.000 tấn khí oxy/năm.

Trong tháng 4/2022, UBND tỉnh Trà Vinh cùng nhà đầu tư cũng đã ký kết ghi nhớ đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh do Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen là chủ đầu tư, với số vốn đăng ký hơn 7.856 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Thăng Long công suất 96MW do Công ty Cổ phần Điện gió Thăng Long Trà Vinh đầu tư, với số vốn đăng ký 3.860 tỷ đồng.

Ngoài 2 địa phương trên, 5 tỉnh vùng ven biển khác tại khu vực ĐBSCL là Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cũng đã thu hút được hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời quy mô lớn. Tỉnh Sóc Trăng còn được nhà đầu tư đến từ Mỹ đề xuất được nghiên cứu đầu tư nhà máy điện khí LNG 15 tỷ USD tại khu vực ven biển thuộc huyện Vĩnh Châu.

Theo quy hoạch điện lực quốc gia, đến năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Hiện nay nhiều địa phương trong vùng đã, đang và sẽ xây dựng các nhà máy điện chạy khí thiên nhiên, điện gió và điện mặt trời, điện sinh khối góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Nhiều địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đã hình thành những khu vực năng lượng sạch.

Với suất đầu tư bình quân 2 triệu USD/1MW điện gió, thì với hàng trăm dự án điện gió đã, đang, sẽ đầu tư tại khu vực ĐBSCL có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD chảy vào lĩnh vực đầu tư này.

Nét mới trong thu hút vốn FDI tại khu vực ĐBSCL là làn sóng lan tỏa vốn FDI từ TP.HCM bắt đầu “đổ bộ” vào các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó lĩnh vực đầu tư năng lượng đang thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn và dự báo lĩnh vực đầu tư này tiếp tục “chiếm sóng” trong thập niên tới.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, việc chuyển dịch từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo tại ĐBSCL không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu than nhập khẩu mà còn tận dụng lợi thế sẵn có là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối giảm giá thành đầu vào cho nhiều ngành sản xuất và giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với định hướng phát triển “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.


(Còn nữa)

Chia sẻ Facebook