Đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ lần đầu tiên vượt dầu khí

Chia sẻ Facebook
18/10/2022 08:30:51

Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ lần đầu tiên vượt các dự án dầu mỏ và khí đốt trong năm nay.


Đây là thông tin mới được đưa ra trong báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy. Báo cáo cho thấy, giá điện cao đang thúc đẩy các quốc gia đa dạng hóa hơn nữa các nguồn năng lượng của mình.


Theo báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nguồn vốn đầu tư được rót vào các dự án năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể lên 494 tỷ USD vào năm nay, vượt xa mức đầu tư 446 tỷ USD vào các hoạt động thăm dò, khoan và khai thác dầu khí.

Rystad Energy cho rằng, việc giá điện ngày một gia tăng sẽ rút ngắn thời gian hoàn vốn của các dự án năng lượng tái tạo xuống còn 12 tháng hoặc ít hơn tại một số quốc gia như Đức, Pháp, Italy và Anh.

Giá khí đốt leo thang do Nga cắt giảm nguồn cung sang thị trường châu Âu đã khiến giá điện tăng mạnh, qua đó tạo ra lợi nhuận cao trong hoạt động sản xuất điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, đồng thời đang kéo theo sự mở rộng của những dự án năng lượng tái tạo.

Tại Pháp, công ty điện lực Engie dự kiến sẽ nâng công suất năng lượng tái tạo từ mức 35 GW hiện nay lên 80 GW vào năm 2030, khi nước này triển khai kế hoạch mở rộng danh mục năng lượng sạch.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: "Tôi đã nói chuyện với các tỉnh trưởng của Pháp và sẽ có luật để tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo. Tôi muốn đẩy nhanh hơn gấp đôi tốc độ phát triển các dự án năng lượng tái tạo".

Hồi đầu năm nay, Rystad Energy dự báo tổng chi tiêu cho năng lượng của thế giới sẽ đạt mức kỷ lục 2.100 tỷ USD trong năm 2022. Con số cho thấy nhu cầu năng lượng sẽ vẫn rất lớn.

Tự chủ năng lượng nhờ chuyển dịch năng lượng tái tạo

Tại châu Âu lúc này, năng lượng đang là vấn đề đau đầu khi mùa Đông đang tới gần. Khí đốt sưởi ấm vừa đắt vừa thiếu, nhiều nước thì đã đưa ra cảnh báo thiếu điện, cắt điện luân phiên. Điều này càng đặt ra yêu cầu phải tìm cách tự chủ năng lượng, hạn chế nguồn năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài.

Pego từng là một nhà máy điện than lớn tại Bồ Đào Nha. Nơi đây từng là nguồn cung cấp điện năng chính của cả đất nước, thế nhưng nó đã đóng cửa từ cuối năm ngoái sau 30 năm hoạt động. Bồ Đào Nha là một trong số ít các quốc gia thành viên EU đã sớm từ bỏ than đá như một nguồn năng lượng chính.

Ông Carlos Ribeirinho - Giám đốc nhà máy điện than Pego: "Nhà máy đã ngừng sản xuất điện vào tháng 11 năm ngoái. Hiện tại chúng tôi đang trong quá trình khử trùng, có nghĩa là chúng tôi phải làm cho nhà máy an toàn để bắt đầu quá trình tháo dỡ".

Để thay thế điện than, Bồ Đào Nha đang đặt hy vọng vào các nguồn năng lượng tái tạo. Những dự án năng lượng sạch liên tục được phát triển, điện mặt trời rồi cả điện gió. Bồ Đào Nha đặt mục tiêu các nguồn năng lượng xanh sẽ cung cấp 80% nhu cầu năng lượng vào năm 2026, tăng gấp đôi so với mức năm 2017, nhờ đó sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các năng lượng nhập khẩu nước ngoài.

Ông Pedro Almeida Fernandes - Giám đốc Công ty năng lượng Endesa Portugal: "Dự án của chúng tôi sẽ thay thế 628 MW điện được sản xuất bằng than bằng 650 MW năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời, điện gió và sử dụng cùng các pin năng lượng dự phòng lớn".

Còn tại Thụy Sĩ, hình ảnh những turbine gió trên các ngọn núi đang ngày càng phổ biến. Tại nước này, quá trình chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo đang diễn ra mạnh mẽ. Vào tuần trước, Quốc hội Thụy Sĩ đã thông qua quy định tất cả các tòa nhà xây mới sẽ phải lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà bắt đầu từ năm 2024.

Bà Simonetta Sommaruga - Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sĩ nói: "Ở đất nước chúng tôi, đặc biệt là với dãy Alps, chúng tôi có thể sản xuất năng lượng mặt trời cho mùa đông. Chúng tôi có tiềm năng rất lớn để có năng lượng mặt trời trên các tòa nhà của mình".

Người Thụy Sĩ cho đến nay đang tránh được phần lớn cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt mà các nước láng giềng châu Âu phải chịu đựng. Lạm phát ở Thụy Sĩ chỉ 3,3% so với mức 10% của các nước trong khu vực đồng euro. Điều này một phần nhờ vào cơ cấu năng lượng của Thụy Sĩ, khi mà khí đốt chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng tiêu thụ.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu Âu đang trở thành động lực để lục địa này giảm bớt sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Có thể năng lượng tái tạo không tạo lối thoát ngay lập tức trong mùa Đông này, nhưng đó sẽ là con đường và là đích đến mà châu Âu hướng tới. Hiện tại, EU đang đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 40% nguồn cung điện năng vào năm 2030.

Giới chức thành phố Logan, bang Queensland, Australia đã xây dựng 1 nhà khí hóa sinh học đầu tiên nhằm biến chất thải thành năng lượng tái tạo.

Chia sẻ Facebook