Đầu tư tiền cho con bao nhiêu là đủ?
Người trong cuộc đưa ra quan điểm trong câu chuyện nên chi tiêu cho con bao nhiêu là hợp lý.
Có một số gia đình đang sống ở các thành phố lớn, mặc dù thu nhập khá ổn từ 40-60 triệu đồng/tháng nhưng gần như không có khoản tiết kiệm cho riêng mình. Bên cạnh đó, họ không ngần ngại chi đến ⅓ thu nhập dành cho con cái. Nhiều người cho rằng như vậy là chi tiêu không hợp lý, dành khá nhiều tiền cho con cái và không có tiền tiết kiệm.
Đầu tư ngay từ bây giờ để cho con “cần câu” thật tốt
Quỳnh Phương (30 tuổi) sống tại Hà Nội chia sẻ rằng hiện vợ chồng cô có 1 em bé, và đang chi khoảng 20% thu nhập gia đình cho con. Trong đó bao gồm những chi phí như học phí ở trường, học phí học bơi, ăn uống bỉm sữa, đi chơi trải nghiệm. Trước cuộc tranh luận chi ⅓ thu nhập gia đình cho con cái có thể khiến tài chính gia đình gặp rắc rối vì khoản tiết kiệm ít hơn, Quỳnh Phương không là như vậy.
“Mình nghĩ đầu tư cho con cái luôn luôn là điều đúng đắn. Đặc biệt đầu tư cho giáo dục là khoản ‘siêu lợi nhuận’. Nếu chỉ chăm chăm vào tiết kiệm mà cắt giảm đi chi phí đầu tư cho con cái cũng không nên một chút nào. Mình phải đặt câu hỏi là tiết kiệm để làm gì? Nếu nói tiết kiệm để sau có tài sản cho con cái thì không nên. Chi bằng đầu tư cho con có nền tảng tốt từ bây giờ, cho con chiếc ‘cần câu’ thật tốt, những khoản tiền tiết kiệm mà mình nghĩ để dành cho con đó mình nghĩ không cần thiết”.
Cũng là một gia đình chi tiêu cho con cái 25-30% thu nhập, khoảng 17-20 triệu/ tháng, Nga Vũ (30 tuổi) đồng quan điểm với Quỳnh Phương. Theo cô, đây là mức chi bình quân của các gia đình ở thành phố lớn. Bởi vì các khoản chi đều thiết thực cũng như mong muốn những thứ tốt cho con nên gia đình cô không thấy như vậy là lãng phí hay quá nhiều.
Bên cạnh đó, với Vũ Trinh (25 tuổi), điều này còn tùy quan điểm mỗi người nhìn nhận. Thông thường, cô sẽ ưu tiên con cái đầu tiên nên việc chi tiền để con có điều kiện sống tốt nhất trong khả năng của bố mẹ, Vũ Trinh cảm thấy xứng đáng.
Thay vì tiết kiệm thì cố gắng để gia tăng thu nhập
“Nhà mình là cố gắng dành cho con những gì tốt nhất trong khả năng. Nhà mình thì không tập trung vào tiết kiệm vì tiết kiệm vài triệu/ tháng tức 1 năm cũng chỉ được vài chục triệu. Thay vào đó tìm cách gia tăng thu nhập qua việc đầu tư, kinh doanh sẽ tốt hơn”.
Bên cạnh đó, gia đình cô sẽ thay đổi là từ chi tiêu cho bản thân chuyển sang chi tiêu cho con. Ngày xưa sẽ đi du lịch, mua sắm, ăn hàng, cà phê nhiều hơn. Nhưng từ khi có con thì một phần là không có thời gian, hơn thế nữa, chi tiêu cho con cũng nhiều nên phải giảm các khoản chi tiêu cá nhân của 2 vợ chồng xuống.
Diễm Quỳnh (22 tuổi) đang chi từ 15-20 triệu/tháng, khoảng ⅓ thu nhập hàng tháng, cho con đầu lòng là 1 em bé mới 10 tháng. Do vậy, khoản chi này chưa tính đến tiền học, có thể năm sau sẽ phải cộng thêm 7-10 triệu/ tháng. Theo Diễm Quỳnh, con số này có thể hơi lớn nhưng gia đình cô muốn đầu tư nhiều nhất có thể cho con từ khi còn bé nên cảm thấy chi tiêu như vậy là hợp lý, không thể ít hơn.
“Nếu bóc tách chi phí ra sẽ thấy khoản chi như vậy khá bình thường. Tiền sữa, tiền bỉm, tiền đi tiêm, ăn uống - khoản này khá cao vì đồ ăn dặm hiện nay khá phong phú. Mỗi lúc con ốm đau, 1 lần đi khám đi viện thuốc thang ít nhất cũng mất 5-6 triệu”.
Bây giờ, cô mong muốn cố gắng tăng thu nhập để có khoản tiết kiệm. Hiện nay, Diễm Quỳnh cũng cẩn thận hơn trong mỗi lần mua sắm. Trước khi xuống tay thanh toán mua bán sẽ dừng lại 1 phút để suy nghĩ xem món đồ hay dịch vụ này có xứng đáng với khoản tiền bản thân bỏ ra hay không.
Trước khi sinh em bé nên chuẩn bị một khoản tiền cho con
Theo Quỳnh Phương, khi chuẩn bị có con nên chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, sức khỏe và quan trọng là có một khoản để ra để chăm lo cho con. Trước khi sinh em bé, cô có sẵn một khoản phòng trường hợp bất trắc xảy ra thì khoản tiền đó sẽ lo được cho mình và em bé trong vòng 3 năm.
Còn đối với Nga Vũ, khó có công thức chung cho các cặp đôi nhưng mọi người nên tính toán dựa trên thu nhập và thói quen chi tiêu của mình sao cho phù hợp khi có con. Bởi vì, chi phí sinh hoạt của con không hề ít cho nên cần chuẩn bị từ trước để không gặp rủi ro trong tài chính.
“Mỗi người nên có khoản tiết kiệm phòng khi con ốm. Bởi vì các bé trong những năm đầu thường sẽ dễ ốm, bên cạnh đó cũng cần đi tiêm phòng hay khám theo định kỳ. Và khoản này tốn khá nhiều”
Ảnh: NVCC