Đầu tư thiên thần - Trò tiêu khiển của giới nhà giàu Mỹ: Rót vốn mù quáng vào startup bạn thân, mất trắng cũng chẳng màng

Chia sẻ Facebook
02/10/2022 08:03:45

Đầu tư thiên thần được coi như một cách để kết nối xã hội và khẳng định vị thế cho giới nhà giàu công nghệ.

Maia Bittner là một nhà đầu tư thiên thần. Bạn bè cô sở hữu rất nhiều các công ty khởi nghiệp và thường xuyên ngỏ ý mời cô rót vốn. Trước đây, Bittner từng cảm thấy không thoải mái về điều đó. Cô không muốn ký séc chỉ vì họ là bạn mình.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Bitter nhận ra việc làm bạn của một ai đó là lý do tuyệt vời nhất để đầu tư.

“Họ là bạn của tôi. Điều đó có nghĩa là tôi cảm thấy thú vị và hấp dẫn bởi người này”, Maia Bittner, founder của Rocksbox, một dịch vụ cho thuê đồ trang sức và Pinch, một startup fintech cho biết. Người phụ nữ này cũng hay đầu tư một cách mù quáng cho công ty của bạn thân vì đặc biệt tin tưởng vào óc phán đoán của bạn. “Đầu tư vào bạn bè là một điều rất thú vị. Tôi phải hỗ trợ họ. Nếu họ làm tốt, tôi làm tốt. Nếu không, tôi đang giúp họ trở thành doanh nhân”, Bittner nói.

Tại Thung lũng Silicon, những người như Bittner vô cùng phổ biến. Đầu tư thiên thần, trước đây là “đất” của giới siêu giàu, đã trở thành trò tiêu khiển đối với đa phần giới công nghệ, những người “thừa tiền” có bạn là doanh nhân đang huy động vốn.

Ngoài việc trực tiếp đổ tiền vào các startups, đầu tư bằng séc đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Theo PitchBook, 449 quỹ đầu tư vi mô có tài sản tối đa 50 triệu USD đã được thành lập vào năm 2021. Các quỹ này có xu hướng đầu tư séc giá trị nhỏ vào các công ty khởi nghiệp non trẻ.

Trước đây, giới siêu giàu thường áp dụng chiêu thức đầu tư thiên thần vào các startup. Hầu hết đều thất bại và chỉ một số ít thu về lợi nhuận ngoạn mục. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ công cụ quản lý phần mềm được cải tiến, chẳng hạn như AngelList, quá trình đầu tư trở nên dễ dàng hơn. Điều này khiến đầu tư thiên thần trở thành xu hướng.

Maia Bittner là một nhà đầu tư thiên thần.

“Bạn nhìn xung quanh. Mọi người đều đang nói về việc đầu tư. Và đột nhiên, bạn nhận ra mình cũng có thể làm điều đó”, Parker Thompson, đối tác tại SAX Capital có liên kết với AngelList cho biết.

Theo Bloomberg, việc viết séc đang phổ biến hơn ở những người mà Thompson gọi là “hậu kinh tế”, tức đủ giàu để không còn cần làm việc nữa. Ở một số thành phố, giới thượng lưu này có thể chuyển sang mua Ferrari, song tại San Francisco, sẽ bắt đầu đầu tư vào các startup của bạn bè.

“Đầu tư thiên thần là “một biểu tượng”. Mọi người làm điều đó như một cách để hòa nhập”, Thompson nói.

Cứ như vậy, đầu tư thiên thần không chỉ đơn thuần là cách thức kiếm tiền. Người ra coi đây như một cách để kết nối xã hội, từ đó khẳng định vị thế của mình.

“Ở San Francisco, chắc chắn phải nói về danh mục đầu tư thiên thần. Đó là một loại tiền tệ xã hội”, Dina Burkitbayeva, một nhà đầu tư cho biết.

Bittner ước tính đã thực hiện được 50 khoản đầu tư trong suốt 6 năm qua, với trung bình 5.000 USD mỗi khoản. Nếu bạn bè có thắc mắc về việc định giá dễ dàng, Bittner sẽ trả lời rằng: “Tôi chơi với bạn 4 năm rồi và tôi biết rõ bạn là ai. Như vậy là tôi hơn hầu hết các nhà đầu tư rồi. Tôi đang đặt cược vào bạn”.

Ngược lại, nếu Bittner cảm thấy do dự khi bị một người quen tiếp cận xin vốn, đó là dấu hiệu cho thấy đây thực sự không phải là người cô nên coi là bạn.

Trong giới công nghệ cao, đầu tư vào công ty của bạn bè có thể giúp duy trì mối quan hệ.

“Khi bạn của tôi hỏi tôi có muốn đầu tư không, tất nhiên tôi sẽ bỏ ra 10.000 USD như một cách để duy trì sự kết nối”, một chủ startup cho biết. “Đối với tôi, nó rất giống với Instagram, khi các bạn theo dõi nhau. Sự khác biệt duy nhất nằm ở 10.000 USD và để tạo hồ sơ, bạn phải thành lập công ty”.

Jeremy Conrad, chủ một startup nhỏ cũng đã quyết định thử vận may sau khi thấy cuộc thảo luận về đầu tư của bạn bè trên diễn đàn trực tuyến. Trong vòng gọi vốn cuối, Conrad huy động thành công khoảng 10 triệu USD, trong đó 1 triệu USD đến từ những người bạn thân, bao gồm cả Bittner. Công ty sau đó khởi nghiệp thất bại, đồng nghĩa với việc Conrad bỏ phí toàn bộ số tiền đầu tư. May mắn là không ai giận anh cả.

“Hầu hết mọi người đều an ủi tôi đừng lo lắng quá. Họ còn cảm ơn tôi vì đã để họ giúp đỡ”, Jeremy Conrad nói.

Trong vòng gọi vốn gần đây, Burkitbayeva, nhà sáng lập startup chuyên về khoa học sinh học, đã thu về khoảng 20 tấm séc nhỏ từ bạn bè và gia đình nhờ công cụ quản lý phần mềm AngelList.

“Nhờ sự tiện lợi của AngelList, tôi không phải trả hàng chục nghìn USD cho các luật sư. Cách thức mới này chắc chắn sẽ dân chủ hóa việc đầu tư theo cách của thiên thần”, Burkitbayeva nói.

Ngay cả sau bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chịu áp lực nặng nề từ lạm phát, đầu tư thiên thần vẫn tồn tại. Từ tháng 4 đến giữa tháng 6, các giao dịch mạo hiểm giai đoạn cuối giảm 43%, trong khi nguồn vốn giai đoạn đầu giảm 26%, theo dữ liệu từ công ty phân tích CB Insights. Trong quý II/2022, các nhà đầu tư đã đặt bút ký khoảng 1.260 các giao dịch thiên thần, giảm hơn 1/4 so với một năm trước đó song vẫn duy trì ở mức cao, theo dữ liệu của PitchBook.

Eric Bahn, một đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm Hustle Fund cho biết, thay vì lo lắng, những nhà đầu tư giàu có cảm thấy khá thoải mái vì họ chỉ coi các quỹ mạo hiểm như một công cụ để rót tiền.

“Họ kiểu “mọi thứ trông thật rẻ và tôi có thể kiếm được nhiều hơn số tiền mình bỏ ra”. Trớ trêu thay, bây giờ lại là thời điểm tốt nhất”, Eric Bahn nói.

“Điều tuyệt vời về đầu tư thiên thần là bạn phải có một cái nhìn rất dài hạn - một khoảng thời gian tầm 10 năm”, Meagan Loyst, người điều hành một cộng đồng dành cho các nhà đầu tư thế hệ Z cho biết.


Theo: Bloomberg


Vũ Anh

Chia sẻ Facebook