Đầu tư phát triển không gian văn hóa sáng tạo tránh cảnh "sớm nở tối tàn"
Việc phát triển các không gian văn hóa sáng tạo tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, cần đến sự chuyển biến về chính sách để mô hình này không rơi vào cảnh sớm nở tối tàn.
Vài năm trở lại đây, người dân ở các đô thị lớn đã dần quen với các không gian nghệ thuật như Cà phê chiều thứ 7, phố đi bộ Hồ Gươm, đường hoa Nguyễn Huệ… Tuy có tên gọi và quy mô khác nhau nhưng đây đều là những không gian văn hóa sáng tạo , nơi mà nghệ sĩ, công chúng, doanh nghiệp có thể gặp gỡ, chia sẻ đam mê và những ý tưởng nghệ thuật mới.
Cách đây 5 – 7 năm, những mô hình này còn rất lạ lẫm, nhưng hiện đã có hơn 200 không gian văn hóa sáng tạo, đem lại hơi thở tươi mới, năng động sáng tạo cho đô thị, đặc biệt ở Hà Nội. Trong tổng số hơn 200 không gian văn hóa sáng tạo, thành phố Hà Nội có hơn một nửa. Trong ba năm qua, số lượng này đã tăng gấp 3 lần. Thế nhưng, phần lớn không gian văn hóa sáng tạo do tư nhân thành lập. Đó có thể là không gian thực nhưng cũng có thể chỉ là một mạng lưới trên mạng Internet. Tuy vậy, đây thực sự là điểm hẹn của những người yêu nghệ thuật và khát khao sáng tạo.
Với các nước phát triển, không gian văn hóa sáng tạo có đóng góp rất quan trọng, được ví như ngọn hải đăng dẫn đường cho kinh tế đô thị, tạo ra việc làm, sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như phát triển tài năng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn ở Việt Nam, những chính sách đầu tư cho không gian sáng tạo, nhất là những không gian của khu vực tư nhân còn hạn chế.
"Có nhiều không gian ra đời với sứ mệnh hết sức lý tưởng, với chuyên môn và tài năng độc đáo nhưng điều đáng tiếc là không tồn tại được lâu. Họ chưa có kỹ năng chuyên nghiệp để làm về quản trị, kinh doanh. Khi người làm sáng tạo làm kinh doanh, họ không lường trước được thử thách. Về phía Nhà nước, dù bước đầu biết đến sự phát triển của không gian văn hóa sáng tạo nhưng việc có hành động cụ thể hơn như giảm thuế, thừa nhận vị trí của không gian văn hóa sáng tạo… cũng chưa có. Hiện tại, cụm từ không gian văn hóa sáng tạo chưa có trong các văn bản mang tính chiến lược của Chính phủ", bà Trương Uyên Ly - Nhà nghiên cứu văn hóa, truyền thông - chia sẻ.
"Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, mang tính chất quy hoạch, định hướng và cung cấp nền tảng không gian quỹ đất cho loại hình không gian này. Tôi tin khi Nhà nước có chính sách đầu tư rõ ràng thì bên tư nhân sẽ tham gia nhiều", ông Lê Quang Bình - Điều phối viên của mạng lưới "Vì một Hà Nội đáng sống" - cho biết thêm.
Những không gian sáng tạo được hình thành trước hết để hướng tới cộng đồng, vì cộng đồng. Nhưng chúng hiện đang vận hành theo mô hình của một doanh nghiệp. Việc coi nó giống như những doanh nghiệp khác là điều không hợp lý.
"Các không gian văn hóa sáng tạo là nơi đầu tiên công chúng tiếp cận được với các giá trị về tài sản trí tuệ cũng như các tài năng nên nó đóng vai trò quan trọng. Nghĩa vụ về thuế không có sự khác biệt nào so với doanh nghiệp bình thường thì sẽ rất khó khăn, vì vừa phải đảm bảo mục tiêu xã hội theo lý tưởng của mình vừa đảm bảo mục tiêu như doanh nghiệp. Ưu đãi về thuế là trực tiếp và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chính quyền quản lý các cấp theo ngành ở địa phương như quận, phường cũng cần hiểu hơn về hoạt động của không gian văn hóa sáng tạo để tạo điều kiện hơn", bà Trương Uyên Ly cho hay.
Kinh tế sáng tạo là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Báo cáo toàn cầu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển toàn cầu năm 2019 cho biết khu vực ASEAN+3 đang dẫn đầu về sản phẩm hàng hóa sáng tạo trên thế giới. Khai thác giá trị không gian văn hóa sáng tạo chính là bước đi hiệu quả và tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều thách thức, cần những chuyển biến về chính sách để những không gian này phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Chiều 17/5, tại TPHCM, Hội đồng Anh phối hợp cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã giới thiệu đến công chúng "Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam".