Đầu tư ngắn hạn rất khó, nên dự phòng tiền mặt chờ cơ hội “bắt đáy” cổ phiếu
Theo chuyên gia Maybank Investment Bank, hoạt động của doanh nghiệp sẽ có tăng trưởng yếu tố EPS, tức là phần thu nhập trên cổ phiếu vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đến một thời điểm định giá sẽ rơi xuống mức cực rẻ.
BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá sao về con số tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam?
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank : Chúng ta có thể nhìn vào từng động lực của sự tăng trưởng này để thấy rằng tiêu dùng trong nước phục hồi rất mạnh. Câu chuyện về hoạt động xuất nhập khẩu cũng là một trong những yếu tố giúp GDP tăng mạnh. Một điểm tích cực nữa đó là mặc dù chưa đẩy mạnh đầu tư công nhưng chỉ dựa vào hai động lực kia chúng ta vẫn tăng trưởng mạnh. Việc đẩy mạnh đầu tư công có thể là động lực và kỳ vọng cho năm sau khi chúng ta dự báo rằng động lực từ xuất nhập khẩu có thể sẽ chậm lại do suy thoái kinh tế ở khu vực châu Âu hay Mỹ. Câu chuyện về phục hồi đang trên đà rất tốt. Còn yếu tố về lạm phát đã đúng theo con số kỳ vọng và khả năng cao vẫn kiểm soát được lạm phát dưới mức 4%, chúng ta có khả năng duy trì tốt hơn so với các nước khác trong khu vực.
Mới đây Ngân hàng N
hà nước cũng đã chính thức tăng lãi suất, theo ông điều này có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế trong thời gian tới không?
Bối cảnh việc các nước sau khi “bơm tiền” thì lạm phát tang, nên bắt buộc phải tăng lãi suất. Mỹ tăng lãi suất rất quyết liệt và đồng tiền USD đã tăng giá, tất cả các đồng tiền quan trọng như Yên Nhật, đồng tiền Trung Quốc, đồng tiền Euro hay đồng bảng Anh đều bị mất giá thì Đô la Mỹ (USD) trở thành một chỗ trú chân an toàn. Nhu cầu tích trữ USD, thậm chí đầu cơ giá tăng lên, gây một áp lực tỷ giá lên tỷ giá của tất cả các đồng tiền đặt trong bối cảnh như vậy. Nếu chỉ dùng công cụ bán ngoại hối thì sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối quốc gia, sẽ khó giữ được mức mong muốn là đạt ít nhất 3 tháng nhập khẩu. Đến lúc này chúng ta phải dùng công cụ tiếp theo đó là tăng lãi suất, tất nhiên Ngân hàng Nhà nước cũng phải tính toán rất kỹ, làm sao để không gây ra việc chi phí vốn tăng quá nhanh, ảnh hưởng đến cả hoạt động doanh nghiệp trong nước.
Đợt vừa rồi tăng lãi suất vừa là tình thế bắt buộc nhưng vẫn hợp lý. Theo tính toán, việc tăng 1% lãi suất chính sách và những phần tiền gửi có hạn dưới 6 tháng thì các Ngân hàng Việt Nam vẫn đủ sức để không phải tăng lãi suất cho vay quá nhiều, bên ngân hàng vẫn đảm bảo được tăng trưởng lợi nhuận, còn bên doanh nghiệp cũng sẽ chưa ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn duy trì dự báo tăng trưởng của năm 2022 ở mức 8%, Việt Nam còn một kênh để kích thích tăng trưởng, đó là đầu tư công. Năm nay 8 tháng đầu năm giải ngân hơi chậm. Tuy nhiên việc quyết tâm đẩy lại đầu tư công trong tháng cuối năm và vượt cho năm sau sẽ là một động lực để GDP vẫn sẽ tốt. Chúng tôi dự báo vào năm sau vẫn tăng trưởng GDP khoảng 6%.
còn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào khi lãi suất tăng
Chúng tôi cho rằng, tổng lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp ở mức khoảng 25% vẫn có thể đạt được. Tác động động từ việc tăng lãi suất sẽ không quá lớn, sẽ làm giảm từ 3-5% lợi nhuận của cả thị trường. Đối với ngân hàng thì giảm tối đa khoảng 5%. Thực ra ngân hàng còn có khả năng hấp thụ nữa là vì họ đã trích lập dự phòng rất mạnh. Những ngành tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao chắc chắn là ngành liên quan đến bán lẻ. Ngành thứ hai duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt ở mức khoảng 25%-30% đó là ngành ngân hàng, bởi ngân hàng vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng tín dụng khi so sánh kỳ này với kỳ trước, thêm vào đó là việc họ có khả năng điều tiết lợi nhuận thông qua quỹ dự phòng.
Trong thời gian qua
thị trường chứng khoán
đang thiếu đi dòng vốn ngoại, ông đánh giá sao về điều này?
Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, đối với những cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp đang niêm yết rất cao. Một rào cản duy nhất mà đang gây cản trở với họ là thị trường Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên nên họ chưa được quyền đầu tư mạnh vào trong thị trường chúng ta.
Tôi kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào khoảng tháng 9 năm sau, trước mắt bởi tổ chức FTSE Russell, lúc đó dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài sẽ có khả năng trở lại rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
trường chứng khoán luôn nhạy cảm và đi trước các sự kiện kinh tế, vậy bước sang giai đoạn lãi suất tăng này thì thị trường sẽ như thế nào?
Nếu nhìn ngắn hạn trong vòng từ ba đến sáu tháng tới khi những câu chuyện vĩ mô, đặc biệt là câu chuyện về áp lực tỷ giá, việc lãi suất tăng thì thị trường sẽ chờ hoặc chưa thể tham gia quyết liệt ngay, trong khi những người đang cầm cổ phiếu cũng đang rất nóng ruột. Đợt vừa rồi bên bán không phải quá mạnh nhưng bởi thiếu lực mua, lực đỡ nên về ngắn hạn tâm lý thị trường và thanh khoản sẽ chưa phục hồi ngay.
Kịch bản tốt nhất là sau đợt điều chỉnh này có thể thị giá hoặc VN-Index sẽ đi ngang, chưa tạo ra một trend mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp sẽ có tăng trưởng yếu tố EPS, tức là phần thu nhập trên cổ phiếu vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đến một thời điểm định giá sẽ rơi xuống mức cực rẻ. Thực ra bây giờ đã hấp dẫn rồi nhưng nếu xu hướng này tiếp tục thì trong vòng 6 tháng tới định giá sẽ rơi xuống dưới 10 lần, tương đương hơn 10%, cao hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng. Nếu nhìn góc độ dài hạn và nền kinh tế Việt Nam vẫn trong xu hướng phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đủ sức để đi qua giai đoạn này trong vòng 12 tháng tới thì đây là thời điểm đầu tư tuyệt vời.
Còn phía nhà đầu tư, cơ hội nào cho họ trong bối cảnh này?
Cơ hội để đầu tư giao dịch ngắn hạn sẽ rất khó. Nên chú ý giữ một trạng thái tiền để nếu có những sự điều chỉnh đến mức định giá và mức sinh lời hợp lý thì chúng ta hãy nắm bắt cơ hội.
Còn về ngành, trong ngắn hạn nếu để chọn thì rất khó vì tâm lý thị trường thay đổi nhanh. Nhưng nếu mục tiêu khoảng 6 tháng, tức là qua cả quý IV đến đầu năm sau thì những cổ phiếu liên quan đến đầu tư công giảm mạnh là một cơ hội để chúng ta tích lũy. Ngành thứ hai là ngành liên quan đến khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp Việt Nam đã lên mức cực kỳ cao và giá thuê tăng hơn 15%. Còn câu chuyện về mặt định giá thì ngành ngân hàng, thì ngành ngân hàng đã điều chỉnh trước và nếu mà điều chỉnh thêm thì quá rẻ. Năm sau chúng ta cũng phải cân nhắc đến câu chuyện Trung Quốc mở cửa giúp đẩy mạnh nhu cầu về du lịch hay tiêu dùng thực phẩm. Còn những ngành liên quan đến giá hàng hóa thì tôi nghĩ sẽ bị ảnh hưởng nhiều, bởi vì hàng hóa bắt đầu có xu hướng điều chỉnh hạ nhiệt.