Đầu tư khởi nghiệp: đừng quên giới hạn chịu đựng rủi ro

Chia sẻ Facebook
02/05/2023 09:46:09

Một người bạn của tôi sau khi tốt nghiệp đại học và làm nhân viên tại một công ty được vài năm thì có ý định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp kinh doanh với quy mô nhỏ. Cũng có chung suy nghĩ với một số người khác, bạn tôi cho rằng nếu muốn tìm kiếm mức lợi nhuận cao trong đầu tư kinh doanh thì đừng ngần ngại lựa chọn khởi nghiệp ở các ngành có mức độ rủi ro lớn, thị trường biến động nhiều(?!). Liệu rằng ý tưởng này có luôn luôn phù hợp?

Đầu tư khởi nghiệp: đừng quên giới hạn chịu đựng rủi ro

Quan hệ lợi nhuận – rủi ro: lý thuyết và thực tiễn


Ở giảng đường đại học, mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro thường được giới thiệu với người học thông qua mô hình định giá tài sản vốn (capital asset pricing model – CAPM(1). Theo đó, lợi nhuận kỳ vọng của hoạt động đầu tư thường được giả thuyết là quan hệ đồng biến với rủi ro thị trường (đo lường bằng hệ số Beta ).

Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm bằng kiểm định thống kê cho thấy dữ liệu thực tiễn có thể ủng hộ mô hình này hoặc không. Ở đây, tôi không đi sâu phân tích mô hình này mà chỉ bàn luận về lợi nhuận và rủi ro ở góc độ đời thường, có lẽ sẽ thiết thực và gần gũi hơn với những người có ý định kinh doanh nhỏ và không có kiến thức quá chuyên sâu về đầu tư và tài chính như người bạn của tôi.

Hãy bắt đầu bằng rủi ro. Hiểu một cách đơn giản, rủi ro là khái niệm liên quan đến độ biến động của lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận kỳ vọng. Một hoạt động kinh doanh có mức độ biến động lợi nhuận thực tế càng lớn so với lợi nhuận kỳ vọng thì càng rủi ro và ngược lại. Ví dụ chúng ta đang so sánh hai ngành kinh doanh A và B. Giả định thông tin tổng hợp được về tỷ suất lợi nhuận của hai ngành theo từng điều kiện khác nhau của nền kinh tế như bảng 1:

Lại giả định khả năng (hay xác suất) xảy ra ba kịch bản về điều kiện kinh doanh (bất lợi; bình thường, thuận lợi) là như nhau thì rõ ràng, tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng (bình quân) của ngành B sẽ lớn hơn so với ngành A. Tuy nhiên, ngành B có mức độ biến động tỷ suất lợi nhuận cũng cao hơn. Như vậy có thể hiểu, dù ngành B có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn nhưng rủi ro đi liền với nó cũng sẽ lớn hơn.

Không riêng mô hình CAPM, nhiều lý thuyết kinh tế học giả thuyết rằng trong hoạt động đầu tư, lợi nhuận kỳ vọng quan hệ đồng biến với rủi ro. Lập luận này dựa trên giả định cơ bản rằng nếu một ngành có rủi ro cao hơn nhưng lợi nhuận thấp hơn những ngành khác thì sẽ kém thu hút đầu tư, và lúc này, thị trường sẽ tự động điều chỉnh để lợi nhuận gia tăng cho phù hợp với mức độ rủi ro tương ứng của ngành đó. Nhưng như đã đề cập từ đầu bài viết với mô hình CAPM, đây chỉ là quan hệ về mặt lý thuyết và trong các nghiên cứu thực tiễn, nó có thể tồn tại hoặc không.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, khái niệm lợi nhuận được phát biểu trong các mô hình kinh tế học về quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro thường là lợi nhuận “kỳ vọng”. Như vậy, khi gia nhập một ngành kinh doanh có rủi ro lớn, người ta chỉ “kỳ vọng” chứ không có nghĩa “chắc chắn” sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.

Xin đừng ngộ nhận

Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài viết. Giả sử ai đó khuyên bạn nên chọn ngành B để đầu tư thay vì ngành A với lập luận ngành B có rủi ro cao hơn nhưng lợi nhuận cũng cao hơn thì bạn vẫn cần phải thận trọng.

Đừng quên rằng hoạt động đầu tư đòi hỏi phải bỏ ra chi phí ban đầu và sau một thời gian nhất định thì mới có doanh thu đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra và tìm kiếm lợi nhuận. Nếu điều kiện kinh doanh khi dự án hoạt động ở trạng thái bình thường hoặc thuận lợi, bạn sẽ đạt tỷ suất lợi nhuận lần lượt là 7% hoặc 18% (hai con số này đều cao hơn mức 5% và 12% trong trường hợp chọn ngành A). Tuy nhiên, nếu điều kiện kinh doanh rơi vào trạng thái bất lợi, bạn sẽ chịu lỗ đến 4% thay vì chỉ 2% như với việc lựa chọn ngành A.

Người ta có thể “đánh cược” với rủi ro cao để kiếm tìm lợi nhuận nhiều hơn hay không còn tùy thuộc vào khả năng hấp thụ rủi ro của chính họ. Điều này cũng tương tự như việc khi bạn mua một món hàng với giá trị nhỏ qua hình thức trực tuyến, bạn vẫn biết rằng món hàng khi nhận có thể được như kỳ vọng hoặc không, nhưng do số tiền bỏ ra là quá nhỏ so với số tiền mà bạn có nên bạn vẫn sẵn sàng đặt hàng.

Rõ ràng, lựa chọn ngành B chỉ tốt hơn nếu như điều kiện kinh doanh thuận lợi và bình thường; ngành A vẫn có thể “chiếm ưu thế hơn” trong điều kiện kinh doanh bất lợi.

Vấn đề nằm ở chỗ vào lúc bỏ tiền đầu tư vào dự án, nhà đầu tư không biết chắc được sau khi đầu tư, điều kiện kinh doanh của dự án sẽ rơi vào kịch bản nào trong ba kịch bản.

Vì vậy, lập luận “lựa chọn ngành rủi ro cao hơn sẽ tìm kiếm được lợi nhuận tốt hơn” có hợp lý hay không còn tùy thuộc vào điều kiện kinh doanh khi mà dự án kinh doanh đi vào hoạt động là tốt hay xấu.

Một số ý kiến cho rằng nếu thời gian kinh doanh đủ dài để hoạt động kinh doanh trải qua cả ba trạng thái: bất lợi, bình thường và thuận lợi, thì tính về mặt bình quân, vẫn có thể hy vọng ngành có rủi ro cao hơn (ngành B) sẽ có khả năng thu được tỷ suất lợi nhuận tốt hơn ngành có rủi ro thấp hơn (ngành A). Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào “giới hạn chịu đựng rủi ro” của các dự án khởi nghiệp.

Giả sử ai đó chọn ngành B và đối mặt với điều kiện kinh doanh bất lợi ngay sau khi dự án đi vào hoạt động, họ phải gánh chịu một mức lỗ là 4%. Nếu năng lực về vốn, về dòng tiền của họ không chịu đựng được mức lỗ này để tiếp tục kinh doanh, họ sẽ phải dừng lại mà không thể tiếp tục chờ đến khi điều kiện kinh doanh tốt trở lại để “cứu thua”.

Nói cách khác, người ta có thể “đánh cược” với rủi ro cao để kiếm tìm lợi nhuận nhiều hơn hay không còn tùy thuộc vào khả năng hấp thụ rủi ro của chính họ. Điều này cũng tương tự như việc khi bạn mua một món hàng với giá trị nhỏ qua hình thức trực tuyến, bạn vẫn biết rằng món hàng khi nhận có thể được như kỳ vọng hoặc không, nhưng do số tiền bỏ ra là quá nhỏ so với số tiền mà bạn có nên bạn vẫn sẵn sàng đặt hàng. Đối với những món hàng có giá trị lớn, khả năng cao là bạn sẽ cân nhắc nhiều hơn đối với hình thức mua hàng trực tuyến.

Khuyến nghị

Nói tóm lại, khi phân tích dự án đầu tư, ngoài mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro, bạn đừng bao giờ quên hai trong số nhiều yếu tố vô cùng quan trọng.

(1) Điều kiện kinh doanh khi dự án đi vào hoạt động. Đây là yếu tố xảy ra ở tương lai nên cần phải chuẩn bị kỹ càng năng lực phân tích và dự báo. Mặc dù dự báo vẫn có xác suất sai lầm nhưng ít ra, nó vẫn mang lại cho bạn sự chuẩn bị tốt hơn so với đầu tư kiểu “cầu may”.

(2) Khả năng hấp thụ và quản trị rủi ro. Về điều này, nhà đầu tư cần xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó nếu tình huống xấu xảy ra. Việc này đòi hỏi phải trang bị các kiến thức, kinh nghiệm, nguồn lực về quản trị rủi ro một cách thấu đáo và bài bản.

(*) Thạc sĩ tài chính ngân hàng; chuyên viên thống kê

(1) Mô hình này được đề xuất bởi các nhà kinh tế học tài chính như John Lintner, William Sharpe…

Võ Quốc Anh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook