Đầu tư hiệu quả dựa trên báo cáo phân tích chuyên sâu

Chia sẻ Facebook
28/08/2023 14:39:21

Trong nỗ lực nâng cao năng lực đầu tư của khách hàng, CTCK VPBank – VPBank Securities (VPBankS) đã và đang không ngừng đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu nhằm mang tới các báo cáo phân tích thị trường, nhóm ngành và doanh nghiệp chuyên sâu, kịp thời hỗ trợ khách hàng đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả.


Nâng cao năng lực đầu tư

Chính thức giới thiệu Trung tâm Phân tích và các sản phẩm báo cáo phân tích tới đông đảo khách hàng và nhà đầu tư trong buổi hội thảo VPBankS Talk #2 “Tích luỹ vị thế, Sẵn sàng bùng nổ” tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo VPBankS cho biết, với sự đầu tư sâu rộng vào chất lượng của đội ngũ chuyên gia phân tích, VPBankS đã phát triển và cho ra mắt chuỗi sản phẩm phân tích đa dạng và bao trùm, gồm bản tin cập nhật hàng ngày, báo cáo chiến lược đầu tư, báo cáo phân tích vĩ mô-ngành-cổ phiểu, các nhận định có tính thời sự cả trong nước và quốc tế...

“Chúng tôi dành rất nhiều nguồn lực để phát triển năng lực tư vấn của đội ngũ môi giới và  nâng cao khả năng cung cấp các sản phẩm phân tích báo cáo ra thị trường của đội ngũ nghiên cứu,” ông Nguyễn Duy Linh, CEO của VPBankS chia sẻ tại hội thảo. “Tất cả những hoạt động đầu tư đó của chúng tôi mang một sứ mệnh và nhiệm vụ duy nhất là đồng hành, cùng vun đắp cho hành trình xây dựng sự thịnh vượng của nhà đầu tư.”

Các chuyên gia phân tích của VPBankS và khách mời chia sẻ tại hội thảo

Dự kiến tháng 9 tới đây, VPBankS sẽ cho ra mắt một sản phẩm mới – Danh mục đầu tư mẫu – được xây dựng dựa trên các triết lý đầu tư của nhiều huyền thoại đầu tư thành công. Nhà đầu tư có thể dựa trên danh mục đầu tư này để tham chiếu và đưa ra những quyết định đầu tư nhằm tối ưu hoá lợi nhuận.

Với mục tiêu trang bị kiến thức đầu tư, chuỗi hội thảo và chương trình đào tạo online mang thương hiệu VPBankS sẽ liên tiếp được giới thiệu trên nền tảng số của VPBankS trong thời gian tới. Song song với đó, các hội thảo offline tổ chức thường kỳ sẽ tiếp tục là cầu nối giữa đội ngũ phân tích và nhà đầu tư, tạo ra cơ hội tương tác và trao đổi cởi mở giữa hai bên trong khi củng cố niềm tin giữa CTCK và khách hàng trong hành trình đầu tư chứng khoán.

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, VPBankS đem tới cho nhà đầu tư một bức tranh đa chiều của tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, gợi mở các cơ hội tiềm năng trên thị trường, thông qua phiên hội thảo với sự tham dự của khách mời TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, cùng các chuyên gia phân tích của VPBankS Research gồm ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường và ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích ngành và Cổ phiếu.


Mây đen qua đi, mặt trời ló rạng

Trong bức tranh đa chiều, dù diễn biến kinh tế vĩ mô vẫn còn ảm đạm, các tín hiệu khởi sắc đã bắt đầu hình thành, hứa hẹn một sự phục hồi mạnh mẽ hơn tại nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trong các tháng cuối năm và bước sang năm 2024.

Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc trong năm 2022 trong bối cảnh các quốc gia quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu chống chọi với lại lạm phát gia tăng do các xung đột địa-chính trị, hoạt động kinh tế đình trệ tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản… và chi phí sinh hoạt leo thang tại Mỹ và châu Âu.

Sang tới năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức trung bình 2,4%, dù thấp hơn tăng trưởng của năm liền trước nhưng đã cải thiện nhẹ so với các dự báo từ đầu năm, dựa trên cơ sở lạm phát dần hạ nhiệt, tiêu dùng cá nhân ổn định tại các nền kinh tế lớn, và Trung Quốc mở cửa thúc đẩy nhu cầu tăng trở lại.

Diễn biến giá cả của nhiều mặt hàng ghi nhận giảm trong các tháng đầu năm, như năng lượng, kim loại nặng và thực phẩm… từ đó hỗ trợ lạm phát hạ nhiệt. Trong khi đó, chính sách tiền tệ có sự phân hóa rõ nét tại hai khu vực Á – Âu khi ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu hay Anh duy trì chính sách diều hâu với lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, trong khi chính sách nới lỏng tiền tệ phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam trong nỗ lực kích cầu kinh tế.

Tại Việt Nam, GDP 6 tháng đầu năm chứng kiến tăng 3.72%, mức thấp nhất ghi nhận trong giai đoạn 2011-2022, khi sản xuất công nghiệp chịu tác động của đơn hàng giảm, cầu tiêu dùng yếu và chi phí đầu vào gia tăng, bên cạnh lãi suất leo thang cùng diễn biến tiêu cực của thị trường trái phiếu và bất động sản trong năm 2022.

Hoạt động xuất-nhập khẩu của Việt Nam, trong khi đó, ghi nhận xu hướng giảm trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đang định hình xu hướng tăng trưởng tích cực qua từng tháng trong 3 tháng trở lại đây, nhờ hoạt động xúc tiến thương mại nở rộ.

Dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng đi ngang và đi lên, tương đồng với dự báo của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong năm 2024, và trong đó, dựa trên đà phục hồi của kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ nổi lên như một điểm sáng khi có thể bứt phá với tăng trưởng vượt trội.

TS Lê Xuân Nghĩa dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian tới tại sự kiện

Động lực cho tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, theo các chuyên gia, sẽ tới từ các nhóm ngành như đầu tư nước ngoài, dự báo sẽ phục hồi mạnh nhờ các đơn hàng điện tử cho xuất khẩu gia tăng. Cùng với đó là đầu tư công hiện đang được chính phủ ráo riết đẩy mạnh, hứa hẹn sẽ kích hoạt dòng vốn chảy vào các nhóm ngành xây dựng, công nghiệp và dịch vụ…, tạo đà cho chu kỳ tăng mới của thị trường.

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa cải thiện với tâm điểm du lịch sẽ là một trong những động lực khác hỗ trợ phát triển kinh tế trong những tháng sắp tới.

Trong khi đó, đối với thị trường vốn, theo quan sát và phân tích của các chuyên gia, niềm tin của nhà đầu tư đang dần quay trở lại, thể hiện qua mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với những đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây. Cùng với đó, số nhà đầu tư mở mới tài khoản gia tăng nhanh chóng trong quý 2 cũng cho thấy nhà đầu tư đang trở lại thị trường chứng khoán.

Theo các chuyên gia VPBankS, 3 nhóm ngành hiện chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán là bất động sản, ngân hàng và chứng khoán sẽ tiếp tục là trọng tâm đầu tư trong thời gian tới. Đây là những ngành đang dẫn dắt sóng tăng trên thị trường chứng khoán, có độ nhạy cao và bám sát sự biến động của thị trường, cũng như hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.


Thu Hà

Chia sẻ Facebook