Đầu tư 4.950 tỉ đồng cáp ngầm kéo điện ra Côn Đảo, các bộ ngành, địa phương lưu ý gì?
Nhiều bộ ngành và địa phương đồng ý với phương án cấp điện cho Côn Đảo bằng hình thức kéo cáp ngầm với số vốn trên 4.950 tỉ đồng, song khuyến nghị cần đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường và kinh tế - xã hội.
Theo tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), đề xuất phương án kéo điện ra Côn Đảo bằng việc đầu tư đường dây cấp điện từ lưới điện quốc gia.
Theo đó, dự kiến địa điểm đầu tư tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp được đưa ra 5 phương án đi qua Sóc Trăng và huyện Côn Đảo. Dự kiến sẽ xây dựng mới đường dây 110kV, 1 mạch, chiều dài khoảng 102,5km từ ngăn xuất tuyến 110kV tại trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo.
Phần cáp ngầm dưới đất 110kV dài khoảng 6,1km; mở rộng ngăn lộ tại trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo. Với dự án đầu tư này, tuyến đường dây có thể đi qua các khu vực nuôi trồng nông, lâm, thủy sản; qua phân khu phục hồi sinh thái biển, vườn quốc gia…
Góp ý vào phương án trên, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Công thương yêu cầu chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương để hoàn chỉnh thống nhất hướng tuyến đường dây 110kV đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng theo phương án đi cáp ngầm từ trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu nhằm tránh ảnh hưởng tới các khu vực nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, giảm thiệt hại thấp nhất đến người dân; tránh chồng lấn khu vực quốc phòng, các quy hoạch và dự án khác của địa phương.
Ngoài ra, do tuyến đường dây đi cắt qua rừng phòng hộ nên Sóc Trăng đề nghị cần xác định rõ tuyến đường dây để xác định loại rừng xin phép cấp có thẩm quyền chuyển mục đích rừng theo quy định.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng thì đề nghị Bộ Công thương, các bộ ngành, địa phương lên phương án phù hợp trong việc sử dụng diện tích đất, mặt nước, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng các hạng mục công trình. Kịp thời cung cấp hồ sơ, thông tin dự án để Bộ Quốc phòng có cơ sở tham gia nghiên cứu, đánh giá, thẩm định các vấn đề liên quan.
Bộ này cũng đề nghị việc triển khai dự án chấp hành nghiêm quy định tại nghị định 164/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; các quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển, đảm bảo an ninh, an toàn, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý như Luật thủy sản; Luật thủy lợi, Luật phòng chống thiên tai cũng như các quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Dự án này có nhu cầu sử dụng đất là 87.052m 2 , nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị bổ sung đánh giá sơ bộ hiện trạng sử dụng đất vùng dự án theo quy định, số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất sản xuất, công trình thủy lợi bị tác động (nếu có).
Với 5 phương án tuyến, bộ này cũng đề nghị chọn phương án hạn chế thấp nhất đi qua khu vực bảo tồn biển, rừng tự nhiên thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cần nêu rõ tác động của từng phương án để lựa chọn giải pháp phù hợp.
Đồng thời lưu ý, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương giai đoạn 2021-2030, cũng như tích hợp trong các quy hoạch khác liên quan tại các tỉnh Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thành lập hội đồng thẩm định dự án
Ngay sau khi lấy ý kiến, bộ trưởng Bộ Công thương đã thành lập hội đồng thẩm định dự án cấp điện Côn Đảo do Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An làm chủ tịch hội đồng. Ngoài ra là sự tham gia của các bộ: Thông tin và truyền thông, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức, thực hiện thẩm định hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo, theo đúng quy định của Luật đầu tư công, các quy định liên quan, báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đề xuất kéo lưới điện quốc gia ra Côn Đảo bằng hệ thống cáp ngầm với vốn đầu tư hơn 4.950 tỉ đồng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vì sao không đầu tư hệ thống điện tái tạo thay cho hệ thống cáp ngầm quá tốn kém?