Đầu tư 15 tỷ USD, 'thành phố dễ đi bộ' cho 100.000 dân của Kuwait trông như thế nào?
Kuwait sắp xây dựng thành phố nói không với carbon, được thiết kế đặc biệt để tối đa hóa diện tích đi bộ cho 100.000 dân.
Theo đó, thành phố xanh này được đặt tên là XZERO. Đây là một phần trong mục tiêu phát triển bền vững và tầm nhìn tới năm 2035 của Kuwait (một quốc gia ở Tây Á). Thành phố XZERO của Kuwait do hãng URB của UAE thiết kế.
Theo hãng URB, thành phố nói không với carbon này có hình dạng giống như một bông hoa, sẽ cung cấp 30.000 căn hộ dân cư trong diện tích tới 1.600 ha, đồng thời tạo ra khoảng 30.000 việc làm thân thiện với môi trường.
XZERO được thiết kế để giảm lượng ô tô ra vào và tối đa hóa diện tích đi bộ với một loạt các cung đường rợp bóng cây. Do đó, hãng URB mô tả XZERO là " thành phố dễ đi bộ nhất trên thế giới " trong tương lai. Đặc biệt, mạng lưới đường đi bộ sẽ được thiết kế để kết nối với các phương tiện giao thông xanh khác, chẳng hạn như đi xe đạp, xe điện, nhằm giúp các cư dân có thể di chuyển một cách thuận tiện và an toàn nhất đến mọi nơi trong thành phố.
Mục tiêu mang lại sự bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế, thành phố XZERO sẽ trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, du lịch, công nghệ, giáo dục, bán lẻ và giải trí.
Thành phố XZERO có thể tự cung cấp lương thực, đảm bảo an ninh về năng lượng, và thúc đẩy nền kinh tế nói không với carbon, thân thiện với môi trường. Các cơ sở hạ tầng trong thành phố này đều sử dụng 100% năng lượng sạch, đồng thời tái chế nước hiệu quả nhờ hệ thống nước thông minh.
Ông Baharash Bagherian, Giám đốc điều hành của URB, cho biết: "Thành phố XZERO là một mô hình mới về cuộc sống đô thị xanh và đây là mô hình chuẩn mực mới cho thế hệ tiếp theo của các thành phố bền vững".
Vì là thành phố tự cung tự cấp, nên XZERO sẽ cung cấp tất cả lương thực cần thiết cho các cư dân. Thành phố cũng kết hợp nhiều phương pháp canh tác độ thị khác nhau, chẳng hạn như vườn cộng đồng, mái vòm sinh học, trang trại thẳng đứng, trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá và nông nghiệp sinh học.
Đại diện của hãng URB cho biết, cốt lõi để tạo ra thành phố đáng sống này chính là một cảnh quan có khả năng phục hồi độc đáo, được thiết kế để tăng cường sức khỏe, hạnh phúc và đa dạng sinh học. Theo đó, hơn 65% diện tích của thành phố sẽ được thiết kế dành cho không gian mở như cảnh quan sản xuất nông nghiệp, phi sản xuất, vỉa hè cho phép nước mưa thấm qua, và sân thể thao.
Việc tăng diện tích cảnh quan sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội, đa dạng sinh học... nhằm giảm thiểu tác động của nhiệt độ tăng cao và đảo nhiệt đô thị. Thành phố XZERO cũng thiết kế 35 km đường chạy bộ và đạp xe chuyên dụng.
Cảnh quan là chất kết dính xã hội cho toàn bộ thành phố. Điều này sẽ thúc đẩy một khu phố sôi động, và kết nối cư dân với tất cả những tiện ích trong vài phút.
Ông Baharash Bagherian chia sẻ: "Thành phố sẽ cung cấp chất lượng cuộc sống cao nhất, đồng thời bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. XZERO sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới cho các thành phố trong tương lai được quy hoạch để phù hợp với thiên nhiên, và thúc đẩy một vòng kinh tế xanh hơn".
Việc tạo ra các thành phố theo các tiêu chuẩn cao nhất về tính bền vững giờ không còn là một sự lựa chọn nữa, bởi đó là điều cần thiết.
XZERO sẽ thúc đẩy du lịch thông qua các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sinh thái thân thiện với môi trường. Ảnh: URB
XZERO hiện đang được thu hút bởi các thành phố bền vững mới hơn như AlNama, Nexgen... Thành phố này được lên kế hoạch với các giải pháp tổng thể về đa chức năng, để giải quyết 3 trụ cột của sự bền vững, bao gồm xã hội, kinh tế và môi trường.
Theo URB, chi phí ước tính của dự án thành phố bền vững này là 13 tỷ bảng Anh (khoảng 15 tỷ USD). Dự án này dự kiến được khởi công xây dựng vào năm 2024 và sẽ hoàn thành vào năm 2034.
XZERO không phải thành phố duy nhất
Trước XZERO, có một dự án về thành phố thông minh đầy tham vọng, nói không với carbon. Đó là "The Line", thành phố nằm trong dự án siêu đô thị NEOM đang khiến các kiến trúc sư trên thế giới kinh ngạc.
Theo đó, vào cuối tháng 7/2022, Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã công bố về bản thiết kế của thành phố The Line. Công trình này là toà nhà chọc trời cao khoảng 500 m, và có chiều dài lên tới 170 km. Đây có thể là nơi ở của 9 triệu người trong tương lai.
Nhìn từ trên cao, thành phố The Line sẽ giống như một đường thẳng xuyên suốt khu vực sa mạc ở Tây bắc Arab Saudi, gần Biển Đỏ.
Thành phố The Line sẽ không có ô tô, không có cả đường phố. Việc di chuyển sẽ dựa vào các giải pháp vận chuyển tốc độ cao. Đặc biệt, không có hành trình di chuyển nào trong thành phố tương lai này dài quá 20 phút. Thành phố nói không với carbon sẽ được vận hành nhờ sử dụng năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo. Trong thành phố sẽ có sự xuất hiện của robot phục vụ, taxi bay và cả Mặt Trăng nhân tạo khổng lồ.
Thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố: "Thiết kế của The Line sẽ thách thức các thành phố xây dựng theo kiểu truyền thống, đồng thời tạo ra hình mẫu bảo tồn thiên nhiên, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Thành phố The Line sẽ giải quyết các thách thức mà cư dân sống ở các đô thị hiện đang phải đối mặt, và là tia sáng cho việc thay đổi cách sống".
Thành phố The Line là một phần trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Arab Saudi nhằm cạnh tranh vị trí điểm đến du lịch với các thành phố Vùng Vịnh khác, chẳng hạn như Dubai, Abu Dhabi, và để định hình lại nền kinh tế của quốc gia này.
Chi phí xây dựng ước tính của thành phố The Line từ 100 đến 200 tỷ USD. Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2030, dự án này sẽ tạo ra 380.000 việc làm mới, và góp phần thúc đẩy GDP của Arab Saudi tăng khoảng 48 tỷ USD.
Bài viết tham khảo nguồn: Arabianbusiness, Dailymail, CNN