Đầu tháng 4, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục giảm trên diện rộng
Và đợt giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm quy mô trên diện rộng này cũng phần nào theo sát chỉ đạo của NHNN.
Đầu tháng 4, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục giảm trên diện rộng
Từ ngày 03/04, các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm đồng loạt trên diện rộng ở tất cả các kỳ hạn.
Ở biểu lãi suất mới nhất, KLB giảm 0.5 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng. Lãi suất không kỳ hạn giảm xuống còn 0.5%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống giảm 0.5 điểm phần trăm xuống còn 5.5%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0.1 điểm phần trăm còn 8.4%/năm.
Từ ngày 03/04, Sacombank giảm nhẹ 0.1 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn từ 1-12 tháng. Ngân hàng này đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng xuống còn 5.5%/năm, kỳ hạn 6 tháng xuống còn 7.3%/năm và kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7.6%/năm.
VietCapitalBank ( BVB ) tiếp tục có đợt giảm lãi suất tiền gửi từ 0.2-0.7 điểm phần trăm tất cả các kỳ hạn từ ngày 03/04/2023. Đối với tiền gửi thông thường tại quầy, Ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm còn 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 7.2%/năm và 12 tháng giảm còn 7/9%/năm.
Là ngân hàng luôn đứng đầu trong bảng lãi suất huy động, SCB cũng áp dụng giảm sâu lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn từ 0.5 -1.2 điểm phần trăm từ ngày 06/04. Mức lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1-3 tháng còn 5.5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng còn 8.2%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh 0.8 điểm phần trăm còn 8.2%/năm và trên 12 tháng giảm 1.2 điểm phần trăm còn 7.8%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank , Vietcombank, VietinBank và BIDV vẫn giữ nguyên mức lãi suất gần tương đồng nhau. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-2 tháng được giữ ở mức 4.9%/năm; kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng duy trì 5.4%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giữ ở 5.8-5.9%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 7.2%/năm. Lãi suất không kỳ hạn của các ngân hàng này ở mức 0.1%/năm.
Tính đến ngày 08/04/2023, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1-3 tháng được các ngân hàng duy trì trong khoảng 4.0-5.5%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng nằm trong khoảng 5.8-8.5%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 7-8.6%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, KLB là ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 8.6%/năm. Kế đó là VietBank ở mức 8.5%/năm. Các ngân hàng Bac A Bank, ABBank, BaoVietBank và OCB cùng có mức lãi suất 8.4%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, KLB vẫn giữ mức lãi suất cao nhất 8.4%/năm. Vietbank đứng thứ 2 với 8.3%/năm, Bac A Bank và SCB cùng xếp thứ 3 với 8.2%/năm.
Ngày 31/03/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 03/04/2023. Trong đó, có yêu cầu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1.0%/năm xuống 0.5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6.0%/năm xuống 5.5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6.5%/năm xuống 6.0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Thời gian tới, UOB dự báo NHNN có thể tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.
Trong khi đó, dưới góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN mới chỉ giảm lãi suất điều hành, cần độ trễ để giảm lãi suất trên thị trường 1 và chưa thấy có tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất, cả huy động lẫn cho vay.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cũng cho rằng lãi suất thời gian tới có thể tiếp tục giảm hoặc không tăng nữa và cần độ trễ từ 3-6 tháng để thấy được các tác động.
Cát Lam