Dầu tăng hơn 1% nhờ lạc quan về nhu cầu tại Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 09:32:26

Giá dầu tăng vào ngày thứ Hai (24/4), khi nhà đầu tư ngày càng lạc quan rằng du lịch vào kỳ nghỉ lễ ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Dầu tăng hơn 1% nhờ lạc quan về nhu cầu tại Trung Quốc

Giá dầu tăng vào ngày thứ Hai (24/4), khi nhà đầu tư ngày càng lạc quan rằng du lịch vào kỳ nghỉ lễ ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.


Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.07 USD (tương đương 1.3%) lên 82.73 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 89 xu (tương đương 1.1%) lên 78.76 USD/thùng.

Tuần trước, cả 2 hợp đồng dầu đều sụt hơn 5%, đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong 5 tuần khi nhu cầu xăng tại Mỹ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đà phục hồi kinh tế gập ghềnh của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ triển vọng nhu cầu dầu, mặc dù dữ liệu hải quan Trung Quốc vào ngày 21/4 cho thấy khối lượng nhập khẩu cao kỷ lục trong tháng 3.

Số lượng đặt chổ ở Trung Quốc cho các chuyến đi nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ Lao động sắp tới cho thấy sự phục hồi du lịch đến các quốc gia châu Á, tuy nhiên, con số này vẫn còn cách xa so với mức trước dịch Covid-19 do giá vé máy bay đường dài tăng vọt và không có đủ các chuyến bay.

Nguồn cung khan hiếm do nhóm sản xuất OPEC+ lên kế hoạch cắt giảm sản lượng bổ sung từ tháng 5 cũng có thể thúc đẩy giá dầu.

Chuyên gia phân tích độc lập Sugandha Sachdeva nhận định: “Kế hoạch cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ và triển vọng nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc có thể hỗ trợ giá dầu trong những ngày tới”.

Theo các nguồn tin, hoạt động xuất khẩu dầu ở miền Bắc Iraq cũng cho thấy một số dấu hiệu cụ thể về việc sắp khởi động lại sau một tháng bế tắc, do bất đồng giữa chính quyền Baghdad và khu vực Kurdistan vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, biên lợi nhuận lọc dầu ở châu Á đã giảm do sản lượng kỷ lục từ các nhà máy lọc dầu hàng đầu ở Trung Quốc và Ấn Độ, làm giảm nhu cầu của khu vực đối với các nguồn cung cấp từ Trung Đông trong tháng 6.

An Trần (theo CNBC)

Chia sẻ Facebook