Dầu tăng 2 tuần liên tiếp

Chia sẻ Facebook
21/01/2023 08:22:35

Giá dầu tăng khoảng 1 USD/thùng vào ngày thứ Sáu (20/01) và ghi nhận 2 tuần tăng liên tiếp, chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng kinh tế tươi sáng đối với Trung Quốc và dẫn đến kỳ vọng tăng nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Dầu tăng 2 tuần liên tiếp

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vào ngày thứ Tư (18/01) rằng việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19 ở Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay, một ngày sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng dự báo nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi trong năm 2023.


Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu WTI cộng 1.03 USD (tương đương hơn 1%) lên 87.64 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng hơn 1%.

Dầu cũng được hỗ trợ bởi hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chuyển hướng sang nâng lãi suất nhỏ hơn và bởi hy vọng vào triển vọng kinh tế nước Mỹ.

Một cuộc thăm dò của Reuters dự đoán rằng Fed sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt sau khi tăng 25 điểm cơ bản tại 2 cuộc họp chính sách tiếp theo và sau đó có khả năng giữ lãi suất ổn định trong ít nhất là thời gian còn lại của năm.

Phó Chủ tịch Fed, Lael Brainard, cho biết cơ hội “hạ cánh nhẹ nhàng” của nền kinh tế Mỹ dường như đang tăng lên. Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra từ ngày 30/01 đến ngày 01/02.

Cũng hỗ trợ giá dầu là số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 10 giàn xuống 613 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy.

Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định: “2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều cần nhiều dầu hơn”.

Dầu tăng bất chấp số liệu dự trữ tại Mỹ trong tuần này cho thấy dự trữ dầu thô vọt 8.4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 13/01/2023 lên 448 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.

Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates cho biết: “Việc áp trần giá dầu Nga, vốn đang lan khắp nhiều thị trường toàn cầu, đang giúp hỗ trợ giá dầu thô”.

Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ 2 của Trung Quốc vào năm 2022, trong khi Ả-rập Xê-út chiếm vị trí đầu bảng.

An Trần (theo CNBC)

Chia sẻ Facebook