Dâu tằm được giá, nông dân ngoại thành Hà Nội phấn khởi thu hoạch

Chia sẻ Facebook
20/04/2023 09:40:24

Tháng 4 hàng năm, các vườn dâu tằm ở vùng ven ngoại thành Hà Nội lại vào vụ thu hoạch. Năm nay, dâu năng suất thấp hơn mọi năm nên luôn trong tình trạng được giá.

Nhà vườn tất bật thu hoạch

Dâu tằm hiện được người nông dân ngoại thành Hà Nội trồng nhiều tại các khu vực ven sông Đáy bởi đất đai màu mỡ, nhiều dinh dưỡng và phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cây. Cây dâu tằm đã giúp nhiều người dân có thu nhập cao, phát triển kinh tế bền vững.


Tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Tp. Hà Nội ), thời điểm này, nông dân đang tất bật vào vụ thu hoạch dâu chín. Chia sẻ với báo Thanh Niên , các hộ dân trồng dâu cho biết, vụ dâu năm nay thời tiết bất lợi nên năng suất thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, mỗi ngày tại đây cung cấp cho thị trường vài tấn quả tươi.

Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, những vườn dâu tằm bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Năm nay, do thời tiết thất thường, dâu chín không đồng đều, việc thu hoạch khó khăn, giá bán cho các thương lái tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Giá bán lẻ dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn so với năm trước từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Bà Đỗ Thị Huệ (trú xã Hiệp Thuận) cho biết gia đình bà trồng hơn 30 gốc dâu. Những ngày này, các thành viên trong gia đình phải thay phiên nhau thu hoạch.

"Hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch dâu tằm. Mưa ít, sương muối liên tục khiến lượng dâu tằm thu hoạch bị ảnh hưởng, sản lượng năm nay không bằng năm ngoái. Tôi bán cho thương lái mua tại vườn là 15.000 đồng/kg, hái liên tục mới kịp xuất hàng, lắm hôm quên cả ăn để thu hái những vẫn không đủ để bán", bà Huệ nói.

Về việc dâu tằm được giá, bà Huệ cho rằng bên cạnh thời tiết thất thường khiến sản lượng giảm, còn có câu chuyện một số nhà vườn tại xã Hiệp Thuận mất trắng diện tích dâu tằm do không chăm sóc cẩn thận, phải chặt gốc từ sớm. "Có 10 nhà thì chỉ khoảng 5 nhà được thu hoạch. Thời tiết diễn biến thất thường, không chăm sóc cẩn thận cộng với sâu bệnh nên dâu rụng nhiều, quả nhỏ, không bán được", bà Huệ nói.

Cách vườn dâu nhà bà Huệ không xa là vườn dâu của gia đình anh Cường (38 tuổi). Anh Cường cho biết, gia đình anh có 2 sào dâu với khoảng 60 gốc, dự kiến thu về 10 - 12 triệu đồng/sào.

"Thấy diễn biến thời tiết thất thường từ đầu năm nên gia đình tôi đã trang bị hệ thống tưới, tiêu đầy đủ. Bên cạnh đó cũng phải tỉa cành, trị sâu bệnh, chăm bón sao cho đến thời điểm hiện tại có thể thu hoạch được nhiều nhất, cho ra thị trường sản lượng dâu tằm đều, tươi và chín đen mọng", anh Cường chia sẻ.

Hiện nay, xã Hiệp Thuận có khoảng 6 ha dâu tằm với khoảng 60 hộ trồng, tập trung chủ yếu ở các thôn Hiệp Thuận 1, 2, 3; trung bình mỗi hộ có từ 1 - 3 sào dâu.

Người dân phấn khởi vì năm nay dâu tằm được giá. Ảnh: Báo Thanh Niên

Theo các chủ vườn trồng dâu lâu năm tại xã Hiệp Thuận, cây dâu có ưu điểm ít phải chăm sóc, thường chăm bón 1 năm/vụ vào tháng 10, thu hoạch quả sau 5 tháng sinh trưởng.


"Trồng dâu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngô, lúa nên được nhiều nhà lựa chọn để thâm canh. Mùa dâu chín rộ cần thu hoạch nhanh, nếu không quả sẽ chín quá và rụng. Trái dâu có chất lượng tốt phụ thuộc nhiều vào thời tiết , nếu trời nắng nóng dâu ngọt, khi mưa dâu nhạt hơn", bà Năm (65 tuổi), một người trồng dâu lâu năm, cho biết.


Còn tại xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng, Hà Nội), thời điểm này chỉ còn lác đác vài nhà còn dâu. Mới trồng dâu hai năm trở lại đây, ông Phùng Văn Trọng cho biết, thời điểm này gần hết mùa nên mỗi ngày chỉ hái được mấy cân.

Nhận thấy khả năng kinh tế đem lại từ cây dâu, cách đây 1 - 2 năm, ông Trọng đã quyết định “xuống tay” 2 khu đất trồng rau để làm vườn trồng dâu. Năm nay chính là lứa dâu đầu tiên mà gia đình ông thu hoạch được. Với ý định trồng thử nghiệm nên ông chỉ trồng ít, khoảng 20 gốc dâu. Hiện tại ông chỉ còn một vườn dâu đang trong giai đoạn cuối vụ thu hoạch.

Theo ông Trọng: “Hiện là thời điểm cuối vụ nên số lượng dâu không nhiều so với đầu vụ. Nếu thời tiết nắng ấm tôi hái được 10kg/lần nhưng mấy hôm nay thời tiết mưa nhiều nên hái được ít hơn. Hái xong tôi mang lên đường quốc lộ bán luôn khách”.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Minh có 4 sào dâu với gần 200 gốc cũng đang bận rộn thu hoạch mùa dâu cuối vụ. May mắn năm nay dù nhiều nhà mất mùa nhưng vườn dâu nhà ông Minh lại được mùa. Với những gốc dâu thâm niên, quả trĩu cành, ông Minh cho biết thời điểm cuối vụ một mình hái ông hái được 40kg mỗi ngày.

Mới hái được nửa buổi, có thương lái gọi điện hỏi mua, ông Minh phải từ chối vì hiện tại còn ít quả, chỉ đủ bán buôn cho mối quen. “Cứ gần hết vụ dân buôn thi nhau hỏi mua”, ông cười nói.

Nhiều hộ trồng dâu cũng cho biết, năm nay dâu mất mùa nhưng được giá. Đầu vụ, giá bán buôn dao động khoảng 17.000 đồng/kg, mặc dù thời điểm cuối vụ dâu tăng giá lên 20.000 đồng/kg nhưng những vườn dâu vẫn được nhiều dân buôn đến hỏi mua.

Thương lái vào tận vườn mua với giá cao

Với ưu điểm có vị ngọt, dịu mát, hiện dâu tằm được người tiêu dùng rất ưa chuộng, tìm mua về ngâm để giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực. Một số doanh nghiệp cũng đã dùng dâu tằm để ngâm rượu, làm siro hoặc sản xuất nước giải khát... nên việc tiêu thụ tương đối thuận lợi.

Chị Nguyễn Thị Huyền (trú phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), một thương lái chuyên buôn bán hoa quả, cho biết chị bắt đầu nhập bán dâu ngay từ cuối tháng 3 và luôn đến tận vườn thu mua sau khi đã đặt trước.

"Khác với một số loại quả khác, giá dâu càng về cuối vụ sẽ càng lên vì không có hàng bán. Tôi xuống mua tận vườn từ sớm, mặc dù đã đặt trước nhưng những ngày gần đây gom mấy nhà mới được 1 tạ dâu. Dâu đa phần chỉ bán ngay tại đầu bờ, mỗi ngày một giá, không ổn định. Mấy hôm trước giá mua tại vườn là 15.000 đồng/kg, nay giá mua vào ở một số vườn đã tăng lên 18.000 đồng/kg", chị Huyền cho biết.

Nhận thấy giá dâu bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thủ đô dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg và đa phần khách hàng mua về để làm siro, anh Lê Đức Hiếu (trú quận Hoàng Mai, Hà Nội), thương lái thường đến thu mua tận vườn để chọn những quả dâu đều, chín đen mọng, chia sẻ: "Tôi có mặt ở đây từ sớm, đến tận từng vườn để lựa và hỏi mua. Nhiều vườn còn ít do sắp cuối vụ và các thương lái đã đặt mua trước đó nên tôi phải tốn công đi từng nhà gom ít một. Giá bán lẻ gần như gấp đôi bán buôn nên tranh thủ ngày nào cũng xuống để thu mua, bán kiếm lời".

Đa số các chủ vườn dâu tằm đều nhận định, giá dâu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi thời tiết thất thường, sản lượng thấp và không có hàng để bán.


Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Tuổi trẻ Thủ đô)

Chia sẻ Facebook