Đâu là biểu hiện của người bị mắc chứng “rối loạn nhân cách ái kỷ”?
Yêu bản thân và rối loạn nhân cách ái kỷ có những điểm giống, khác nhau nhất định, cần được phân biệt rõ ràng.
Trong khi tất cả chúng ta đều tự yêu bản thân ở một mức độ nào đó, người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) lại yêu bản thân một cách toàn diện, quá mức, từ đó gây ra sự đánh giá quá cao về tầm quan trọng của bản thân và bộc lộ xu hướng chỉ trích quá mức. Những điều này ảnh hưởng đến hầu hết các mối quan hệ của họ. Theo ước tính, có khoảng 6% dân số được chẩn đoán mắc phải tình trạng này. Dưới đây là 3 nhóm biểu hiện với các mức độ khác nhau của NPD.
Nhóm 1: Những người trở thành nhà lãnh đạo, được nhiều người yêu thích
Một số người bộc lộ sự ái kỷ có xu hướng trở thành nhà lãnh đạo được lòng người, được mọi người xung quanh yêu quý. Những người này thường thành công hơn trong cuộc sống vì họ luôn cố gắng để trở nên hấp dẫn hơn, khỏe mạnh hơn, quyến rũ hơn và thành công hơn so với chính họ. Đối với họ, những thành tựu được thể hiện ra bên ngoài là bằng chứng cho thấy họ giỏi hơn những người khác và nên đảm nhận vai trò lãnh đạo. Đồng thời, những người ái kỷ thuộc nhóm này cũng luôn cố gắng che giấu những khuyết điểm của bản thân hay những thông tin có thể khiến người khác không thích họ.
Nhóm 2: Những người ái kỷ dễ bị tổn thương, muốn thành trung tâm của sự chú ý
Không giống như nhóm 1, những người ái kỷ thuộc nhóm 2 lại dễ bị tổn thương hơn và không muốn thể hiện mong ước của mình theo những cách rõ ràng. Thay vào đó, họ luôn nghĩ rằng mình xứng đáng được đối xử theo cách đặc biệt nhưng lại không nói ra điều này. Đây là cách suy nghĩ để một người ái kỷ dễ tổn thương cảm thấy tốt hơn về bản thân họ. Đôi khi, những người thuộc nhóm 2 sẽ trở nên cáu kỉnh khi không được chú ý, không được quan tâm một cách đặc biệt nhưng vẫn tiếp tục thụ động và thu mình.
Nhóm 3: Rối loạn nhân cách ái kỷ - dạng cực đoan nhất
Giống như tất cả các loại rối loạn nhân cách, NPD thường được phát triển từ thời ấu thơ như một cơ chế đối phó với chấn thương nặng. Những người bị NPD có thể đến từ những gia đình không quan tâm đến con cái hoặc có những hành vi không đúng chuẩn mực. Người mắc NPD nâng cao tầm quan trọng của bản thân mình nhằm trốn tránh cảm giác bị chỉ trích hoặc bị bỏ rơi. Những người thuộc nhóm này luôn có xu hướng thu mình, lôi kéo và chiếm quyền trong các mối quan hệ, đồng thời thiếu đi lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và tin rằng họ ở đẳng cấp cao hơn so với mọi thứ xung quanh.