Dầu khởi sắc nhưng vẫn ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 01:46:00

Giá dầu khởi sắc trong phiên đầy biến động ngày thứ Sáu (08/4), nhưng vẫn ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp sau khi các quốc gia công bố kế hoạch giải phóng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược.

Dầu khởi sắc nhưng vẫn ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 2.19% lên 102.78 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.32% lên 98.26 USD/thùng.

Cả 2 hợp đồng này đều giảm tuần thứ 2 liên tiếp, với dầu Brent sụt 3.6% và dầu WTI mất 3%. Các hợp đồng dầu đã biến động mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 trong nhiều tuần.

Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu trong 6 tháng tới, với Mỹ sẽ xuất kho số lượng đó như một phần của việc giải phóng 180 triệu thùng được công bố hồi tháng 3/2022.

Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định: “Có một số lo ngại rằng bằng việc hạ giá một cách giả tạo, bạn sẽ chỉ làm tăng nhu cầu và điều đó sẽ tiêu thụ nguồn cung khá nhanh”.

Các chuyên gia phân tích tại ANZ Research cho biết thông báo giải phóng dự trữ này cũng có thể ngăn cản các nhà sản xuất, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ, đẩy nhanh tăng sản lượng ngay cả khi giá dầu ở quanh mức 100 USD/thùng.


Trong khi đó, chuyên gia phân tích Stephen Brennock của PVM tỏ ra nghi ngờ về tác động của việc giải phóng dự trữ dầu, rằng liệu điều này “có giải quyết được tình trạng thiếu hụt dầu thô của Nga hay không”.

Trong khi Nga tìm được các khách hàng châu Á, những khách hàng phương Tây lại cấm vận các hàng hóa Nga kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra.

Sản lượng dầu khí của Nga đã giảm xuống 10.52 triệu thùng/ngày trong khoảng từ ngày 01-06/4 so với mức bình quân 11.01 triệu thùng/ngày hồi tháng 3, Reuters đưa tin.

Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cấm nhập khẩu dầu Nga vào ngày thứ 07/4, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc lệnh cấm.

Tuy nhiên, những bất ổn về nhu cầu đã kìm hãm đà tăng giá dầu vào ngày thứ Sáu sau khi Thượng Hải mở rộng phong tỏa để đối phó với số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh chóng.


Áp lực cho giá dầu còn đến từ đồng USD mạnh hơn, sau khi có tín hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất thêm 3 điểm phần trăm vào cuối năm nay.

An Trần (Theo CNBC)

Chia sẻ Facebook