Đau họng cả tuần, nam thanh niên bất ngờ với chẩn đoán của bác sĩ
Sau khi thăm khám, bác sĩ đã chỉ ra nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đau họng không khỏi là do mắc lậu vùng họng.
Đau họng, ngứa rát suốt 1 tuần không khỏi, nam sinh viên tại Hà Nội đi khám và bất ngờ bị nghi ngờ mắc lậu, chuyển sang Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tại bệnh viện, bệnh nhân không tin mình bị bệnh lậu bởi bệnh nhân cho biết, dù hai tuần trước có đi mát xa nhưng chỉ quan hệ đường miệng, không quan hệ xâm nhập. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm, bệnh nhân chẩn đoán bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có lậu ở hầu họng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng phòng Đào tạo, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục gặp ở cả nam và nữ, có thể gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài như hậu môn, trực tràng và đặc biệt là họng miệng. Đây là một bệnh lây nhiễm phổ biến ở người trong độ tuổi quan hệ tình dục trong đó có thanh, thiếu niên từ 15-24 tuổi. Đau vùng hầu họng là triệu chứng chung có thể gặp ở cả hai giới nếu mắc lậu họng.
Theo bác sĩ Tuyến, có rất nhiều bệnh nhân trẻ mắc bệnh xã hội đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận gần 3.100 ca mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đến khám và điều trị. 30% trong số đó là các bệnh nhân từ 15-24 tuổi (gần 1.000 ca).
Bác sĩ Tuyến cho hay: Có nhiều căn nguyên gây nên các bệnh qua đường tình dục này, có thể là vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Trong nhóm vi khuẩn, ba tác nhân hay gặp nhất là giang mai, lậu, chlamydia. Trong khi virus Herpes và HPV là hai tác nhân hay gặp nhất trong nhóm virus, gây tổn thương mụn nước, sùi tương ứng.
Trong các bệnh nhân từ 15-24 tuổi đến khám, chẩn đoán mắc các bệnh lây qua đường tình dục, có 3 nhóm chính, điểm chung là họ đều có tâm lý lo lắng sau hành vi quan hệ tình dục không an toàn, nguy cơ mắc bệnh cao.
Thứ nhất, bệnh nhân không có biểu hiện, triệu chứng nhưng vì lo nên vẫn muốn kiểm tra, xét nghiệm, tầm soát bệnh.
Thứ hai, bệnh nhân có triệu chứng như tiểu buốt, tiểu dắt, tiết dịch, sùi... đường tiết niệu, sinh dục, hậu môn, miệng họng... nên đi khám.
Cuối cùng, một số bệnh nhân dù không có triệu chứng nhưng sau khi có hành vi nguy cơ, lên mạng tìm hiểu thông tin, nhầm lẫn triệu chứng của bệnh lý khác hoặc tự cho rằng mình có triệu chứng bệnh nên đi khám.
Một trong những khó khăn trong quá trình thăm khám cho thanh thiếu niên mắc bệnh xã hội, theo bác sĩ Tuyến, là nhiều bệnh nhân không thừa nhận mình từng quan hệ. "Nhiều trường hợp, bố mẹ lại kiên quyết cho rằng con còn nhỏ tuổi, không thể quan hệ tình dục được nên phản ứng khá gay gắt với con và với bác sĩ", bác sĩ Tuyến chia sẻ.
Để xử lý những tình huống này, các bác sĩ sẽ gặp riêng bệnh nhân và người nhà để khám, tư vấn. Lúc này, bệnh nhân mới cho biết từng quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng không an toàn.