Dầu giảm trong tuần qua bất chấp mức tăng 2% trong phiên

Chia sẻ Facebook
10/07/2022 12:14:15

Giá dầu tăng 2% trong phiên biến động ngày thứ Sáu (08/7) nhưng vẫn ghi nhận mức giảm trong tuần qua, khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng sụt giảm nhu cầu do suy thoái kinh tế ngay cả khi nguồn cung nhiên liệu toàn cầu vẫn khan hiếm.

Dầu giảm trong tuần qua bất chấp mức tăng 2% trong phiên

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nâng lãi suất để đối phó với lạm phát, làm dấy lên lo ngại rằng chi phí đi vay tăng cao có thể kìm hãm tăng trưởng, trong khi các đợt xét nghiệm hàng loạt Covid-19 ở Thượng Hải trong tuần này có thể gây ra lo ngại về khả năng phong toả, vốn cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu.


Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 2.37 USD (tương đương 2.3%) lên 107.02 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 2.06 USD (tương đương 2%) lên 104.79 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng đều giao dịch với sắc đỏ rồi sau đó phục hồi từ mức đáy trong phiên.


Dầu Brent giảm 4.1% và dầu WTI mất 3.4% trong tuần qua, sau khi ghi nhận tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Giá dầu đã lao dốc vào ngày 05/7, khi dầu Brent giảm 10.73 USD – đánh dấu phiên giảm mạnh thứ 3 kể từ khi hợp đồng dầu này bắt đầu giao dịch vào năm 1988.

Báo cáo việc làm tại Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra nhiều việc làm hơn so với dự báo trong tháng 6, một dấu hiệu cho thấy sức mạnh thị trường lao động bền bỉ sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng này.

“Thị trường dầu đang xem báo cáo việc làm như một con dao 2 lưỡi”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures Group, nhận định. “Số liệu việc làm là tích cực từ góc độ nhu cầu. Về mặt tiêu cực, thị trường lo ngại rằng nếu thị trường việc làm mạnh mẽ, Fed có thể mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất”.

Dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ tăng 2 giàn lên 597 giàn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Giá dầu đã tăng vọt trong nửa đầu năm 2022. Dầu Brent gần đạt mức cao kỷ lục 147 USD/thùng sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow có nguy cơ gây ra đà tăng giá năng lượng “thảm khốc” đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới.

An Trần (Theo CNBC)

Chia sẻ Facebook