Dầu giảm mạnh do lo ngại về Trung Quốc và kinh tế toàn cầu
Giá dầu giảm mạnh trong phiên biến động ngày thứ Ba (03.01), chịu áp lực bởi dữ liệu nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc, triển vọng kinh tế ảm đạm và đồng USD mạnh hơn.
Dầu giảm mạnh do lo ngại về Trung Quốc và kinh tế toàn cầu
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent mất 3.58 USD (tương đương 4.2%) còn 82.33 USD/thùng, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong hơn 3 tháng.
Hợp đồng dầu WTI lùi 3.1 1 USD (tương đương 3.9%) xuống 77.15 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng 1 USD /thùng hồi đầu phiên.
Chuyên gia phân tích Robert Yawger của Mizuho nhận định: “Có rất nhiều lý do để lo ngại ở đây – tình hình Covid-19 ở Trung Quốc và lo ngại về suy thoái kinh tế trong tương lai gần đang gây áp lực lên thị trường”.
Chính phủ Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đối với các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt đầu tiên của năm 2023. Nhà đầu tư cho rằng sự gia tăng này là do kỳ vọng nhu cầu nội địa kém khi quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tiếp tục chiến đầu với làn sóng lây nhiễm Covid-19.
Hoạt động nhà máy ở Trung Quốc cũng bị thu hẹp trong tháng 12/2022 khi tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng làm gián đoạn sản xuất và gây áp lực lên nhu cầu, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Góp phần vào triển vọng kinh tế ảm đạm, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva, vào ngày 01/01 cho biết nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều sẽ trì trệ, khiến năm 2023 khó khăn hơn so với năm 2022 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Đồng USD ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 tuần. Đồng USD mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu vì hàng hoá này được neo giá theo đồng bạc xanh sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Vào ngày thứ Tư (04/01), thị trường sẽ đón nhận biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 sau 4 đợt nâng liên tiếp thêm 75 điểm cơ bản.
Dự trữ dầu tại trung tâm lưu trữ Cushing đã tăng 176,000 thùng lên 28.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/12/2022, dữ liệu Genscape cho biết.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo tăng 2.2 triệu thùng trong tuần trước, theo một cuộc khảo sát sơ bộ của Reuters.
Về nguồn cung, Chính phủ Mỹ đã giải phóng 2.7 triệu thùng dầu từ Dự trữ Xăng dầu Chiến lược (SPR) vào tuần trước, trong khi nhà máy lọc dầu Pascagoula của Chevron ở Mississippi chuẩn bị nhận lô dầu thô đầu tiên của Venezuela trong gần 4 năm.
Theo dự kiến mới nhất của chính phủ, sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2023 được dự báo sẽ tăng trung bình 620,000 thùng/ngày, thấp hơn khoảng 1/3 so với mức dự báo tăng 1 triệu thùng/ngày hồi đầu năm.
An Trần (theo CNBC)