Dầu giảm khi Trung Quốc áp phong toả mới vì Covid-19

Chia sẻ Facebook
11/06/2022 12:07:58

Giá dầu giảm vào ngày thứ Sáu, sau khi báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo và Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong toả mới vì Covid-19.

Dầu giảm khi Trung Quốc áp phong toả mới vì Covid-19


Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 1.19 USD (tương đương 1%) xuống 121.88 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1 USD (tương đương 0.8%) xuống 120.34 USD/thùng.

Giá dầu giảm cùng với chứng khoán trên Phố Wall sau thông tin giá tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh trong tháng 5. Giá xăng đã cao kỷ lục và giá thực phẩm tăng vọt, dẫn đến mức tăng giá tiêu dùng năm mạnh nhất trong 40 năm. Điều này làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách mạnh tay hơn.

Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tại Price Futures, nhận định: “Mối lo ngại rằng đó có thể là dấu hiệu báo trước về thói quen tiêu dùng và mặc dù nhu cầu xăng hiện đang tăng mạnh, nhưng đó là dấu hiệu trong tương lai cho thấy nếu giá xăng không ổn định thì người tiêu dùng sẽ cắt giảm”.

Trong một tín hiệu tiêu cực khác về nhu cầu, Thượng Hải và Bắc Kinh đã quay trở lại báo động về Covid-19 vào ngày 09/6. Các khu vực của Thượng Hải đã áp đặt các lệnh hạn chế mới và thành phố này thông báo sẽ có đợt xét nghiệm hàng loạt đối với hàng triệu cư dân.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định: “Điều này không cho thấy nhu cầu dầu tăng lên. Thay vào đó, Trung Quốc có thể đã hành động cơ hội, mua dầu thô từ Nga với giá thấp hơn đáng kể so với mức giá thị trường toàn cầu để bổ sung nguồn dự trữ quốc gia”.


Dầu đã tăng hơn 1 USD vào đầu phiên do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở châu Âu và châu Phi.

Hiệp hội Dầu khí Na Uy (NOG) cho biết sản lượng dầu của Na Uy có thể bị giảm nếu công nhân đình công vào ngày Chủ nhật (12/6).

Khoảng 845/7,500 nhân viên trên các giàn khoan ngoài khơi có kế hoạch đình công từ ngày 12/6 nếu cuộc đàm phán tiền lương hàng năm thất bại.

Sản lượng dầu tại mỏ dầu Sarir của Libya đã giảm sau khi các cảng Ras Lanuf và Es Sider đóng cửa và khi một nhóm phiến quân đe doạ đóng cửa cảng Hariga.

Triển vọng đang giảm dần về việc đạt được một thoả thuận hạt nhân với Iran và Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng nước này, khi Iran dỡ bỏ thiết bị giám sát cuả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) được lắp đặt theo thoả thuận.

An Trần (Theo CNBC)

Chia sẻ Facebook