Dầu giảm hơn 1% do lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại Mỹ
Giá dầu giảm hơn 1% vào ngày thứ Hai (01/5), khi lo ngại về tác động kinh tế của khả năng nâng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu sản xuất yếu kém của Trung Quốc lấn át sự hỗ trợ từ động thái cắt giảm nguồn cung mới của OPEC+ có hiệu lực trong tháng này.
Dầu giảm hơn 1% do lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại Mỹ
Fed, dự kiến nhóm họp vào ngày 02-03/05, được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Đồng USD tăng vào ngày thứ Hai, làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Baden Moore, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá và carbon tại Ngân hàng Quốc gia Australia ( NAB ), nhận định: “Triển vọng nâng lãi suất thêm nữa từ Fed trong tuần này dự kiến sẽ làm gia tăng biến động giá trong ngắn hạn”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 1.27% xuống 79.3 1 USD /thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.12 USD (tương đương 1.46%) còn 75.66 USD/thùng.
Những lo ngại về ngành ngân hàng đã gây áp lực lên giá dầu trong những tuần gần đây và trong bối cảnh tổ chức tín dụng lớn thứ 3 của Mỹ phá sản trong 2 tháng, các nhà quản lý Mỹ cho biết vào ngày thứ Hai rằng First Republic Bank đã bị tịch thu và một thoả thuận đã đồng ý bán ngân hàng này cho JPMorgan .
Dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc cũng là tâm điểm. Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất PMI của Trung Quốc giảm từ 51.9 xuống 49.2 trong tháng 3, trượt dưới mốc 50 điểm ngăn cách giữa sự mở rộng và thu hẹp hoạt động trên cơ sở hàng tháng.
Một số hỗ trợ cho giá dầu đến từ việc cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 1.16 triệu thùng/ngày bởi các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, một nhóm được gọi chung là OPEC+, sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2023.
Ông Moore của NAB cho biết: “Chúng tôi tin rằng thị trường dầu mở sẽ bị thâm hụt trong thời gian còn lại của quý 2, sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng”, đồng thời nói thêm rằng NAB kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng cộng với nhu cầu cao hơn sẽ đẩy giá dầu tăng.
An Trần (Theo CNBC)