Đau đớn và vị tha
"Đáng ra nợ máu phải trả bằng máu, nhưng tôi xin tòa miễn tội chết cho con rể để các cháu ngoại có ngày đoàn tụ với cha" - người cha già run run ngấn lệ. 70 tuổi, cụ phải vừa chăm cháu ngoại vừa chăm vợ ngồi xe lăn và con trai nằm liệt giường.
Ông Nguyễn Minh Châu (70 tuổi, ở khu tập thể Lê Lai, phường Lê Lợi, Sơn Tây, Hà Nội) vịn tay vào vai người em gái ngồi cạnh, cố đứng dậy nói trong phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Hà Nội mở xét xử bị cáo Vũ Thanh Hùng (38 tuổi, trú tại Sơn Tây, Hà Nội, con rể ông Châu) vào hôm 18-5 vừa qua về tội giết người.
Xin tòa mở đường sống cho con rể
8h30, chiếc xe chở phạm nhân dừng trước khoảnh sân TAND TP Hà Nội. Cánh cửa xe mở ra, bị cáo Vũ Thanh Hùng bước xuống và nhanh chóng được hai cảnh sát hỗ trợ tư pháp áp giải vào phòng xét xử số 3.
Đi ngay phía sau, ông Nguyễn Minh Châu, với dáng người gầy gò, ôm di ảnh con gái là chị N.T.T.T. (34 tuổi, vợ Hùng) bước không vững, vội quay mặt đi khi nhìn thấy Hùng. Ông không dám nhìn thẳng vào người con rể đã nhẫn tâm giết hại con gái mình bởi vì "thấy Hùng toàn thân lại bủn rủn, khó thở, sợ bệnh tim tái phát".
Ngồi vào hàng ghế bị cáo, Hùng cúi gằm mặt, không dám quay lại nhìn người thân và họ hàng ở phía sau mình.
Hùng bị cáo buộc giết vợ là chị N.T.T.T. vì mâu thuẫn trong việc dạy con. Khoảng 10h ngày 16-2-2021 (tức ngày mùng 5 Tết), Hùng đang nấu cơm thì nghe tiếng các con khóc do trêu đùa nhau nên lên can con gái lớn "đừng bắt nạt em".
Chị T. cho rằng Hùng chỉ yêu thương con gái thứ hai, không yêu thương con lớn nên hai người cãi vã. Chị T. đòi ly hôn, mang con lớn và con trai út về nhà ngoại, để Hùng nuôi con thứ hai. Bực tức về thái độ của vợ, khoảng 11h45, sau khi ăn cơm xong, Hùng lấy dao chạy đến chỗ chị T. đang bế con ở phòng khách và chém nhiều nhát vào vợ.
Khi người vợ chạy ra ngoài cổng thì bị vấp ngã, Hùng đuổi đến dùng chân đạp vào bụng rồi tiếp tục chém liên tiếp nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Tại tòa, Hùng thừa nhận hành vi phạm tội và khai: "Không còn nhớ nổi đã chém vợ bao nhiêu nhát. Vì quá nóng giận nên đẩy vợ vào đường chết, để lại cha mẹ già và 3 con nhỏ bơ vơ".
Nghe Hùng khai, ông Châu, ngồi phía cuối phòng xử và hai tay ôm chặt di ảnh con gái, chân run lẩy bẩy, nấc lên thành tiếng. Người em gái ngồi cạnh liền đưa tay vỗ nhẹ phía sau lưng, an ủi ông bình tĩnh.
Chủ tọa truy vấn Hùng: "Bị cáo sống kiểu gì mà có đến ba người vợ nhưng không ai có thể sống cùng?". Hùng chắp tay lên bục khai báo, cúi mặt, im lặng.
Mặc dù được cha vợ tha thiết xin miễn tội chết, nhưng tòa nhận định hành vi của Hùng là côn đồ, truy sát đến cùng nên tuyên phạt mức án tử hình về tội "giết người" theo điểm n, khoản 1, điều 123, Bộ luật hình sự.
Chủ tọa vừa dứt lời, Hùng liền quay vội xuống hướng mắt về phía gia đình vợ run giọng "Con xin lỗi gia đình mình, xin lỗi vì đến tận bây giờ con mới nói được lời này", rồi đưa tay lên cho cảnh sát tra còng, cúi mặt bước vội ra xe chở phạm nhân về nơi giam giữ.
Ông Châu ngồi nán lại ở hàng ghế dành cho gia đình bị hại. Để đi đến quyết định xin tha tội chết cho con rể, ông đã nhiều đêm thức trắng. "Những suy nghĩ này cứ dằn vặt tôi mỗi ngày. Nhưng quay sang nhìn 3 đứa trẻ còn thơ dại, tôi lại càng đau đớn, thương xót hơn, nên quyết định xin tòa mở con đường sống cho con rể" - ông Châu nói không muốn khi mình già yếu, mất đi thì các cháu phải vào trại trẻ mồ côi.
Vừa làm ông, vừa làm cha mẹ
Phiên tòa kết thúc, ông Châu ôm di ảnh con gái đi về căn nhà nằm sâu trong con ngõ ở số 1, khu tập thể Lê Lợi (phường Lê Lợi, Sơn Tây, Hà Nội).
Ngoài trời đổ cơn mưa lớn, trong căn nhà rộng chừng gần 50m2, đứa cháu trai ho lọc khọc vì đang sốt, bám lấy chân ông không chịu rời. Khoác thêm chiếc áo mỏng cho cháu trai, ông bế vào lòng, dỗ dành, ân cần bón từng thìa cháo trắng vừa nấu vội.
Ông thở dài, kể: "Từ ngày mẹ nó mất, cha vướng vòng lao lý, hai chị gái lớn may mắn được người cô bên ngoại đưa về chăm sóc giùm, còn nó sống cùng gia đình tôi từ khi 8 tháng tuổi".
Mặc dù sinh non, mất mẹ từ sớm nhưng cậu bé khá cứng cáp và tinh nghịch. Nhưng những hôm "trái gió trở trời", cậu cũng "làm khổ" ông ngoại vì quấy khóc, đòi sữa suốt đêm.
"Tôi giờ vừa làm ông vừa làm cha, mẹ của nó. Tuổi già sức cùng lực kiệt nhưng vẫn phải gắng gượng, nuôi cháu lớn được thêm ngày nào hay ngày đó, chứ biết đùn đẩy cho ai bây giờ?" - ông Châu đưa tay gạt nước mắt, nói.
Cùng lúc này, trong căn buồng tối tăm có tiếng "ú úa" của người phụ nữ vọng ra. Đặt vội bát cháo xuống sàn nhà, ông chạy vào phía trong đỡ người vợ bị liệt nửa thân dưới lên xe lăn.
Khi chiếc xe vừa di chuyển được vài mét thì trật bánh, người vợ ngã lăn ra sàn nhà. Ông Châu hốt hoảng chạy tới nhọc nhằn đỡ vợ ngồi lên xe rồi đứng thở hổn hển.
Cách đó chừng vài mét, trên chiếc giường cũ kỹ đặt bên ô cửa sổ nhìn ra con ngõ nhỏ là nơi người con trai lớn bị bại liệt nằm một chỗ gần chục năm qua.
Cuộc đời nhiều biến cố
Ông lão 70 tuổi dùng từ "đau khổ" để nói về cuộc đời đầy biến cố của mình. Gần 10 năm trước, khi gia đình nhỏ đang hạnh phúc thì bỗng một ngày người con trai lớn lâm trọng bệnh. Cả gia đình ông chạy vạy khắp nơi lo chữa bệnh cho con. Tuy nhiên, mọi công sức và tiền bạc "đổ sông đổ bể" vì bệnh tình của con trai ngày một nặng hơn, phải nằm một chỗ.
Chưa hết, ít tháng sau người vợ của ông cũng đột ngột trải qua một cơn tai biến và bị liệt nửa thân dưới. Mọi gánh nặng đè lên đôi vai của ông Châu.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Châu vẫn phải xuống thủ đô làm bảo vệ cho một công ty, kiếm tiền lo thuốc thang cho vợ con. Lúc này, việc chăm sóc vợ và con trai ông nhờ cậy vào cô con gái thứ hai.
Cũng trong năm 2015, sau cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, qua sự mai mối của bạn bè, con gái của ông quen Hùng - người đã có hai đời vợ, không nghề nghiệp và có tiếng cục cằn. Bất chấp lời khuyên ngăn từ gia đình, cô con gái vẫn nhất quyết đến với Hùng bằng quyết tâm "sướng, khổ con chịu".
Hai người từng "lỡ đò" đến với nhau, không tổ chức đám cưới, đến năm 2018 mới đi đăng ký kết hôn và 3 đứa trẻ lần lượt ra đời.
Quá trình chung sống, hai người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, Hùng nhiều lần đánh vợ bầm tím mặt mày. Biết chuyện, ông Châu khuyên con gái quay về sống cùng bố mẹ nhưng bất thành. "Nếu nó nghe lời bố mẹ thì đã không có chuyện đau lòng hôm nay", ông Châu nói.
Ngày con gái xảy ra chuyện, ông Châu không ở nhà. "Nghe tin, tôi đau đớn, rụng rời chân tay, chỉ muốn chạy ra đường đâm đầu vào ôtô chết đi cho xong".
Nói đến đây, ông Châu thẫn thờ vài giây rồi đi về phía chiếc tủ gỗ, lục tìm trong ngăn kéo lấy ra tập album ảnh được gói ghém cẩn thận.
Ông ngồi giở từng trang, vuốt ve lại từng tấm ảnh sờn màu của con gái. Đứa cháu ngồi trong lòng chăm chú nhìn kỹ theo từng tấm ảnh trên đôi bàn tay nhăn nheo của ông ngoại. Thi thoảng nó bi bô gọi "mẹ, mẹ...".
Theo Viện Pháp y tâm thần trung ương, năm 2015 bị cáo Vũ Thanh Hùng từng trải qua đợt điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây ảo giác và đã được điều trị khỏi. Trước, trong và sau gây án, Hùng không có bệnh tâm thần.
Tại thời điểm giám định ngày 14-5-2021, Hùng mắc bệnh phản ứng hỗn hợp và lo âu trầm cảm nhưng vẫn đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Hai năm qua, hàng chục phiên tòa đã diễn ra nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa trả lời cho ông được câu hỏi: Tài xế xe tải vô tình hay cố ý cán ngang người con trai ông?