Đau đầu vì lì xì ngày Tết: Họ hàng "sương sương" mỗi nhà có 3-4 cháu
Bên cạnh các chi phí sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, biếu quà nội ngoại hai bên thì tiền lì xì ngày Tết cũng là vấn đề khiến không ít người đau đầu, nhất là những gia đình có họ hàng đông con cháu.
Lì xì đầu năm là một trong những phong tục truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt. Người lớn sẽ trao cho trẻ nhỏ hoặc các cụ già một phong bao lì xì kèm theo lời chúc sức khỏe, may mắn, bình an. Tuy nhiên, những năm gần đây, đã có không ít câu chuyện “dở khóc dở cười” về vấn đề lì xì ngày Tết. Nhất là việc nên để lì xì mệnh giá bao nhiêu cũng khiến không ít người đau đầu.
Chị Lê Thị H. (quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ với báo Dân trí cho hay tiền lì xì đầu năm thường chiếm tới 30% chi tiêu ngày Tết của gia đình (khoảng 7-8 triệu đồng). Mệnh giá của các phong bao lì xì cũng tùy thuộc vào độ thân thiết. Với các con, cháu ruột thịt trong nhà sẽ mừng tuổi nhiều hơn. Còn các cháu họ hàng xa, hoặc những trẻ nhỏ vô tình gặp khi đi chúc Tết sẽ có mệnh giá mừng tuổi khác.
"Tôi thường mừng con của anh chị em ruột 200.000 đồng. Vợ chồng tôi có tới 14 đứa cháu. Con của anh chị em họ trong nhà thì tôi mừng 50.000-100.000 đồng. Mừng tuổi cô, dì, chú, bác 200.000-300.000 đồng. Con số này thường trong tầm kiểm soát", chị H. chia sẻ với Dân trí.
Tuy nhiên, chị H. cũng từng gặp phải tình huống khá ngại ngùng trong một lần đi chúc Tết. Cụ thể đó là lần gia đình chị đi chúc Tết nhà bác họ vô tình gặp một đoàn khách có nhiều cháu nhỏ. Lúc đó, thấy mọi người lì xì nên chị cũng rút phong bao mừng tuổi cháu bé. Nhưng sau đó một cháu nhỏ lại bóc ngay lì xì trước mặt mọi người lấy ra tờ 20.000 đồng rồi quay sang chê ít với mẹ.
Cũng chính vì thế mà chị H. rất ngại đến chơi hay chúc Tết hàng xóm cũng như họ hàng xa ở quê. Bởi nếu gặp các trường hợp như vậy thì không biết nên giải quyết thế nào. Nếu là con cháu trong gia đình đương nhiên sẽ mừng tuổi mệnh giá cao hơn vì chị nghĩ “con cháu trong nhà đi đâu mà thiệt” . Tuy nhiên, là người ngoài thì không thể như vậy được. Trong khi đó các cháu cũng háo hức nhận lì xì, bản thân chị H. cũng không thể phớt lờ cho qua.
“Hai vợ chồng tôi làm thuê ở Hà Nội, tiền lương có hạn, Tết đã có quá nhiều khoản phải chi. Về quê đến nhà nào cũng có ba bốn trẻ nhỏ, mỗi cháu vài chục nghìn là bay ngay tiền triệu", chị H. chia sẻ với Dân trí.
Tương tự như chị H. gia đình chị Nguyễn Thị Th. (34 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cũng từng gặp phải tình huống không được vui vẻ khi lì xì 20.000 đồng. Câu chuyện diễn ra vào Tết Nguyên Đán năm 2022. Vì mới mua nhà được 1 năm, lại đang trong quá trình trả góp nên chị Th. vẫn phải chắt bóp chi tiêu. Tuy nhiên, ngày Tết chị vẫn dành ra một khoản để mừng tuổi trẻ con nhà hàng xóm cùng tầng.
Sau khi bàn bạc với chồng, chị Th. quyết định mừng tuổi mỗi cháu 20.000 đồng vì có đến 25 đứa trẻ. Nếu mừng tuổi nhiều hơn thì tổng số tiền khá lớn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau Tết chị Th. vô tình nghe được cuộc trò chuyện của hai người hàng xóm cùng tầng nhắc đến tiền mừng tuổi của chị. Họ đã thẳng thừng cho rằng "thời nay còn mừng tuổi 20.000 đồng" . Cũng từ đó, chị Th. đã hạn chế sang chơi cũng như không qua lại thân thiết với các gia đình đó nữa.
“Tôi nghĩ, nếu chỉ nhìn nhận nhau qua chút tiền lì xì năm mới thì quá thực dụng. Trong khi họ không nghĩ rằng, trong năm, mỗi lần về quê tôi đều mang cho họ chút hoa quả hay rau từ quê nhà. Đôi khi họ có việc đột xuất, tôi cũng sẵn lòng trông con giúp họ…", chị Th. chia sẻ với Dân trí.
Bên cạnh tiền lì xì thì ngày Tết còn vô số khoản tiền phải chi. Mỗi dịp Tết đến xuân về, các bảng chi phí dự trù ngày Tết lại được netizen chia sẻ lên mạng xã hội khiến không ít người “khóc thét” vì số tiền quá lớn. Trong đó, có bảng chi phí gồm 14 mục lên tới hơn 70 triệu đồng. Chỉ tính riêng tiền mừng tuổi họ hàng đã lên tới 15 triệu đồng, tiền mừng tuổi đồng nghiệp lên tới 8 triệu đồng.
Bên cạnh đó các chi phí sắm Tết, mua quà biếu sếp, biếu họ hàng nội ngoại, mua quần áo Tết cho con,... cũng chiếm một khoản rất lớn. Đây cũng là lý do mà không ít người cảm thấy “sợ” khi đến Tết. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên đặt quá nặng vấn đề này. Bản thân có mức thu nhập như thế nào thì sẽ chi tiêu trong ngưỡng như vậy, chỉ cần gia đình được vui vẻ, quầy quần bên nhau là đã đủ đầy, hạnh phúc.
Bạn có suy nghĩ như thế nào về chi phí lì xì ngày Tết? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé!
Lì xì đầu năm vốn là một nét đẹp trong phong tục truyền thống của người Việt. Chính vì thế chúng ta không nên đặt nặng giá trị vật chất. Các bậc phụ huynh cũng nên nhắc nhở con em của mình ý nghĩa của phong tục này. Đặc biệt trước khi nhận lì xì cần đưa hai tay, lễ phép và biết nói lời cảm ơn người lớn. Nhất là sau khi nhận lì xì xong tuyệt đối không được bóc ngay trước mặt người mừng tuổi cũng như bàn luận về mệnh giá của lì xì.
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !