Đau đầu chuyện mời cưới bạn bè đồng nghiệp
Nhiều cặp đôi rơi vào hoàn cảnh oái ăm khi lên danh sách mà chẳng biết nên thêm hay bớt ai. Bởi họ lo ngại rằng nếu mời sợ phiền hà nhưng không mời sẽ bị trách móc.
Không mời thì sợ bạn trách, mời lại lo người ta nói mình “chạy chỉ tiêu”, nhiều cô dâu chú rể đau đầu trong việc lên danh sách khách mời. Thế nhưng, nếu cặp đôi tinh tế, xác định rõ tính chất hôn lễ để lên được danh sách phù hợp thì câu chuyện này chẳng còn quá lo ngại.
Đau đầu chuyện mời cưới
Nhiều cặp đôi cho rằng, khâu lên danh sách khách mời mới là đau đầu nhất khi chuẩn bị cho một hôn lễ. Hai vợ chồng sẽ phải cân nhắc cực kỳ nhiều nên mời ai và không nên mời ai. Bởi nó còn liên quan tới khâu chi phí, tổ chức, diện tích hôn trường. Đồng thời, bên cạnh đó, mọi người còn phân vân về mức độ thân thiết của bạn bè, đồng nghiệp để mời dự hôn lễ. Nếu không mời sẽ bị trách nhưng mời lại cảm thấy ngại cho cả bạn và mình vì vốn dĩ chúng ta chẳng thân thiết tới mức đó. Thậm chí, có những trường hợp dù gửi thiệp nhưng tới ngày chẳng thấy mặt mũi đâu khiến cô dâu chú rể bị hao hụt phần cỗ cưới.
Chị Huyền (30 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết: “Lúc đám cưới mình mời khá nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, vì thời điểm cưới mình tổ chức ở quê, xa Hà Nội nên nhiều người đồng nghiệp mình cũng ngại mời vì sợ họ đi xa. Vậy mà giờ đã qua nhiều năm, thỉnh thoảng mình vẫn bị đồng nghiệp trách móc chuyện cũ”.
Cũng trong môi trường công sở, nhưng chị Phúc (28 tuổi, sống tại Hà Nội) lại gặp hoàn cảnh khác. Chị cho biết: “ Cơ quan mình thì mọi người trong team gắn bó, làm việc với nhau lâu năm nên chẳng phải nghĩ nhiều, cưới là mời thôi. Nhưng đặc điểm khi đi làm là không chỉ làm với 1 team mà còn hỗ trợ trong nhiều bộ phận khác nhau. Những người khác có trao đổi công việc, nói chuyện cũng vui vẻ nhưng chưa phải thân tới mức để đi dự đám cưới nên nhiều lúc khá đau đầu. Mời họ không được mà không mời cũng chẳng xong”.
Bên cạnh mời đồng nghiệp, nhiều người cũng phải cân nhắc vấn đề lên danh sách bạn bè sao cho phù hợp. Bởi có những người dù ngày xưa rất thân thiết nhưng đã nhiều năm chẳng liên lạc, nói chuyện, liệu rằng mời cưới có hợp lý không. Chưa kể, mời cũng phải nói chuyện sao cho lịch sự, nếu không người ta lại nghĩ cô dâu, chú rể “chạy chỉ tiêu”. Muôn vàn trường hợp đau đầu khi mời cưới khiến cô dâu, chú rể dở khóc dở cười.
Khi mùa cưới trở thành… nỗi sợ
Không riêng cô dâu chú rể, đứng về phía dàn khách mời cũng có muôn vàn tâm sự với những lý do dở khóc dở cười khiến họ sợ bị mời đám cưới. Trong khi cô dâu chú rể đau đầu không biết phải mời ai thì bạn bè, đồng nghiệp cũng mệt chẳng kém vì phân vân chẳng biết có nên đi hay không.
Bởi lẽ một vài người không sao nhưng nếu thật sự vào mùa cưới, ai nấy đều mời đi tiệc thì số tiền chi không nhỏ. Chị Mỹ Vân, sống tại Sài Gòn than thở: “Cứ vào dịp cuối năm là 2 vợ chồng lại đau đầu chuyện mừng cưới. Nhiều người thậm chí lâu năm không gặp cũng mời khiến 2 chúng tôi dở khóc dở cười. Chẳng biết nên mừng cưới bao nhiêu và có nên đi hay không. Trong khi 2 vợ chồng lương chẳng nhiều nhặn gì, 1 tháng đi vài ba đám cưới là đã tốn mất mấy triệu rồi”. Thậm chí, có những bạn trẻ đi đám cưới như chạy show, mỗi tháng tốn cả chục triệu. Chính vì vậy mỗi lần nhắc tới mùa cưới, thay vì vui mừng, ai nấy đều cảm thấy sợ.
Cách đây không lâu, một thống kê trên VnExpress cho biết, trong số những người được khảo sát từ độ tuổi 20 đến 45 cho thấy có tới 75,5% trường hợp khó xử khi đi dự tiệc. Trong đó, 40% người cảm thấy lạc lõng vì không quen biết ai tại hôn lễ, 28,7% lại rơi vào trường hợp bị người không thân mời cưới và 31% liên quan tới vấn đề phục vụ, cô dâu chú rể ứng xử chưa khéo hay bị đòi tiền cưới. Thế mới thấy được rằng, đứng ở góc độ nào cũng có cái khó của nhau mà chẳng phải dễ để hành xử tinh tế,
Nên mời cưới như thế nào cho phù hợp?
Khi xã hội ngày càng phát triển thì việc mời cưới không còn trở nên quá nặng nề như ngày xưa. Thay vào đó, mọi người khá cởi mở và thấu hiểu cho nỗi khổ của nhau. Chính vì vậy, cô dâu chú trước khi lên danh sách khách mời hãy cân nhắc, tính toán lại số lượng tối đa mà mình có thể chuẩn bị. Đồng thời, mọi người cũng cần xác định rõ tính chất của hôn lễ là chỉ trong phạm vi gia đình ấm cúng hay muốn mời thêm một số bạn bè đồng nghiệp thân hoặc rộng hơn nữa là mối quan hệ không quá thân thiết nhưng xã giao.
Khi xác định được điều này, cô dâu chú rể cũng có thể thoải mái lên danh sách khách mời hơn. Họ sẽ dựa vào tính chất buổi tiệc để cân nhắc ai là phù hợp. Vì mọi người đều có tính chất mời như nhau nên sẽ không bắt gặp những lời trách như ngày xưa chẳng mời mình. Đồng thời, người mời cưới cũng nên thông cảm cho cô dâu chú rể. Bởi chỉ có quý thì họ mới gửi thiệp để mời bạn tới dự ngày trọng đại nhất cuộc đời.
Tùy vào từng trường hợp mà cô dâu chú rể cần có phương án xử lý tinh tế nhất. Chỉ có như vậy, ngày trọng đại mới thật sự diễn ra tốt đẹp như mong đợi.
Cùng theo dõi thêm nhiều bài viết tại YAN.
Đám cưới là ngày trọng đại nhất đời, làm sao để nó diễn ra suôn sẻ và được lòng khách mời. Cùng theo dõi tại YAN News với những chia sẻ quý giá nhất từ những cặp đôi có kinh nghiệp cùng chuyên gia trong ngành. Tải app ngay tại đây.
Không ít cặp đôi trước ngày diễn ra hôn lễ đã trở nên xích mích với nhau dẫn tới không khí căng thẳng. Thậm chí, một số cô dâu tâm lý yếu còn đòi hủy hôn. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ những vấn đề tưởng chừng đơn giản như mời ai, tổ chức bao nhiêu mâm, kinh tế thế nào, chụp ảnh cưới ở đâu... Chính vì vậy, các cặp đôi cần chuẩn bị mọi thứ thật kỹ càng, nhất là hiểu ý nhau để không xảy ra những mâu thuẫn đáng tiếc khiến ngày vui không trọn vẹn.
Cùng theo dõi thêm nhiều bài viết tại đây.