Dầu của Nga vẫn chảy về Ấn Độ, Tổng thống Mỹ điện đàm với Thủ tướng Modi

Chia sẻ Facebook
11/04/2022 01:06:30

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc nói chuyện trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong ngày 11-4, trong bối cảnh Mỹ đã nêu rõ là nước này không muốn Ấn Độ tăng cường nhập khẩu năng lượng của Nga.

Dầu của Nga vẫn chảy về Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi - Ảnh: NEWS18.COM

Tuyên bố phát đi ngày 10-4 của thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki, cho biết ông Biden và ông Modi sẽ thảo luận về hợp tác trong một loạt vấn đề bao gồm chấm dứt đại dịch COVID-19, chống khủng hoảng khí hậu, củng cố nền kinh tế toàn cầu và duy trì trật tự quốc tế tự do, cởi mở, dựa trên luật lệ để củng cố an ninh, dân chủ và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cuộc họp trực tuyến của ông Biden sẽ diễn ra trước cuộc họp cấp bộ trưởng "Mỹ - Ấn 2+2" giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh.

Lần gần nhất ông Biden nói chuyện với ông Modi vào tháng 3-2022. Gần đây, Tổng thống Mỹ cũng cho rằng Ấn Độ là nước "hơi run" trong hành động chống lại Nga khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.


Gần đây, Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế, người đã đến thăm Ấn Độ gần đây, cho biết Mỹ sẽ không đặt ra bất kỳ "lằn ranh đỏ" nào với Ấn Độ về nhập khẩu năng lượng từ Nga nhưng không muốn thấy sự "tăng tốc nhanh chóng" trong việc mua hàng của nước này.

Theo Hãng tin Reuters, nhờ chính sách giảm giá mạnh sau các lệnh trừng phạt của phương Tây với các thực thể của Nga, Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô của Nga kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2-2022. Trong khi đó, dữ liệu do Reuters tổng hợp cho thấy cả năm ngoái, Ấn Độ mua của Nga khoảng 16 triệu thùng.

Ấn Độ cố gắng cân bằng mối quan hệ của mình với Nga và phương Tây nhưng không giống như các thành viên khác của nhóm Bộ tứ kim cương gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc, Ấn Độ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.


Từ lâu, Nga là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ mặc dù lượng mua từ Mỹ ngày càng tăng trong thập kỷ qua. Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng nguồn cung cấp của Nga có giá thành cạnh tranh hơn và rất quan trọng với Ấn Độ khi nước này phải đối mặt với quân đội Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của mình, ông Daleep Singh cho biết Mỹ sẵn sàng giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và quốc phòng.

Hiện Ấn Độ là nhà nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, trước đây, Ấn Độ chưa bao giờ là khách mua dầu lớn của Nga. Hằng năm, lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm từ 2-5% tổng mức nhập khẩu, tương đương với tỉ lệ của Mỹ trước thời điểm Washington tuyên bố áp lệnh trừng phạt ngành dầu mỏ Nga.

Phần lớn dầu nhập khẩu đến từ các nước như Iraq, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Nigeria.


Lượng dầu thô Nga cung ứng cho Ấn Độ đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo Matt Smith, chuyên gia hàng đầu về dầu mỏ tại hãng tư vấn Kpler trên trang Oil Price , kể từ đầu tháng 3-2022, đã có 5 chuyến tàu chở 6 triệu thùng dầu của Nga lên đường tới Ấn Độ, tương đương với 50% lượng dầu nhập khẩu của năm ngoái.

Lợi nhuận tài chính có thể là nguyên nhân chính. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), dầu chất lượng cao Urals của Nga gần đây được mời chào với mức chiết khẩu cao kỷ lục. Cách đây 2 tuần, Nga chào thầu dầu Urals với một số tập đoàn chuyên về giao dịch hàng hóa như Glencore hay Vitol với mức giá rẻ hơn từ 25 - 30 USD/thùng so với dầu Brent.

Nhiều chuyên gia nhận định lợi ích kinh tế chính là lý do đến thời điểm này Ấn Độ vẫn bỏ qua sức ép từ Mỹ và vẫn mua dầu thô của Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đích thân đến thăm Trung Quốc và Ấn Độ trong tuần này nhằm tìm cách tăng cường quan hệ với hai cường quốc kinh tế lớn ở châu Á, trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây gia tăng cấm vận.

Chia sẻ Facebook